1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thái Bình:

Khói bụi từ “thủ phủ lò vôi” bủa vây khu dân cư

(Dân trí) - Hiện nay, tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình có tổng cộng 64 lò vôi. Những lò vôi này tạo công ăn, việc làm cho hơn 1.000 lao động. Tuy nhiên, những lò vôi nằm ngay cạnh khu dân cư đang khiến môi trường sống nơi đây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tổ dân phố cầu Nghìn, thuộc thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) được xem là “thủ phủ lò vôi” ở Thái Bình. “Thủ phủ lò vôi” này được hình thành từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Vào những năm 1989 - 1990, Xí nghiệp Vôi cầu Nghìn giải thể đã chuyển đổi cho hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh vôi. Từ đó, một số hộ gia đình có điều kiện đã xây dựng và phát triển mạnh số lượng lò vôi và kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng tại khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài.

Năm 2004, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 31 cấp bằng công nhận khu cầu Nghìn là “Làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng”.

Tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ có tổng cộng 64 lò vôi
Tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ có tổng cộng 64 lò vôi

Với việc kinh doanh từ vôi, các hộ gia đình ở đây cũng trở nên khá giả, các lò vôi cũng thi nhau mọc lên tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Tuy nhiên, cũng từ vôi hậu quả để lại với môi trường rất nặng nề, tình trạng ô nhiễm tại khu vực này đã lên đến mức báo động.

Theo thống kê của UBND thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, hiện nay tại thị trấn có 64 lò vôi của 30 hộ kinh doanh, trong đó có 42 lò loại 1 (từ 2 ống lò trở lên) và 22 lò vôi loại 2 (có 1 ống lò), chiếm diện tích hơn 108.000 m2. Trong số này, có 25 lò vôi của 15 hộ sản xuất nằm trong đất ở khu dân cư và hành lang bảo vệ cầu, đường quốc lộ 10, vi phạm luật đê điều; chỉ có 4/30 cơ sở có thủ tục về môi trường.

Năm 2012, theo điều tra, phân tích và đánh giá của cơ quan chức năng thì khu công nghiệp cầu Nghìn có mức vượt quy chuẩn môi trường không khí cho phép là không nhiều (từ 1,03 đến 1,5 lần cho phép), tình trạng ô nhiễm môi trường không khí (bụi, khói, khí…) chỉ xảy ra cục bộ tại một số điểm nhất định trong ngày. Song, từ năm 2013 đến nay, mức độ ô nhiễm môi trường tại khu vực cầu Nghìn cang tăng cao, đáng báo động.

Vào tháng 8/2015, theo mẫu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình lấy tại 2 cơ sở sản xuất vôi tại đây, kết quả chỉ số bụi đã tổng vượt 1,6 đến 1,8 lần, chỉ số CO vượt 4,0 đến 4,2 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT. Mẫu không khí xung quanh khu vực ở cả vị trí đầu và cuối hướng gió chỉ số bụi vượt 1,97 đến 3,17 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT.

Những lò vôi này tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường
Những lò vôi này tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường

Nhiều nhà dân ở khu vực này phải liên tục đóng cửa gần như cả ngày để tránh khói bụ, ô nhiễm và tiếng ồn từ các lò vôi.

Một người dân ở tổ dân phố cầu Nghìn bức xúc: “Các chú thấy đấy, đến đây mới biết chúng tôi sống khổ sở như thế nào, khí độc hại từ các lò vôi xả ra môi trường, ô nhiễm, bụi bẩn, ồn ào không chịu nổi. Người dân kêu khắp nơi, nhưng cũng không có gì biến chuyển…”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài cho biết: Thực hiện Quyết định 507/QĐ-BXD (ngày 27/4/2015) của Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đén năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi tự phát, thủ công không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. UBND thị trấn An Bài đã xây dựng “Đề án xóa bỏ lò vôi tại khu vực thị trấn cầu Nghìn”. Theo đó, mục tiêu của địa phương phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn lò vôi ở khu vực cầu Nghìn, chuyển sang kinh doanh bến bãi, trung chuyển vật liệu xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng không nung; sản xuất công nghiệp và ngành nghề khác. Lộ trình đến hết năm 2016, sẽ xóa bỏ 25 lò vôi nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu, quốc lộ 10; hết năm 2020 sẽ xóa bỏ 39 lò vôi còn lại. Tuy nhiên, đề án này đang chờ tỉnh phê duyệt.

Đức Văn