TPHCM:

Khói, bụi “quây” thành phố

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho thấy: tình trạng ô nhiễm không khí của TPHCM vẫn không có dấu hiệu được cải thiện; ô nhiễm do khói, bụi vẫn ở mức cao tại các khu vực cửa ngõ TP.

Khói, bụi “quây” thành phố  - 1

Tình trạng thi công các cơ sở hạ tầng cẩu thả cũng góp phần gây ô nhiễm không khí
 
Khảo sát tất cả các tuyến đường cửa ngõ TP như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 22, quốc lộ 1A, quốc lộ 13... PV Dân trí đều ghi nhận được hàng loạt đoạn đường khói bụi mù mịt; đặc biệt là tại các khu vực đấu nối với đại lộ Đông Tây trên quốc lộ 1A, khu vực ngã tư An Sương trên quốc lộ 22, khu vực ngã tư Bình Phước trên quốc lộ 13, khu vực ngã ba Cát Lái, cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội...

 

Theo số liệu quan trắc tháng 10/2009 của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM thì nồng độ bụi lơ lửng trong không khí do khói bụi sinh ra hầu như lúc nào cũng vượt chuẩn tại cả 6 vị trí quan trắc.

 

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm không khí chung trên địa bàn TP là khói nhà máy và xe cơ giới. Tỷ lệ thuận với số lượng xe cơ giới ngày càng tăng là mức độ ô nhiễm không khí ngày càng xấu đi. Theo PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM thì TPHCM là một trong những thành phố có mức ô nhiễm không khí cao nhất Châu Á.

 

Một điều đáng lo ngại nữa là chì vẫn tiếp tục xuất hiện trong thành phần không khí TP dù xăng pha chì đã bị cấm từ lâu. Chì đã xuất hiện trở lại trong không khí TP từ năm 2008 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Cụ thể, tại 6 trạm quan trắc không khí của TP, nồng độ chì dao động trong mức 0,22 - 0,38g/m3. Đây là chất cực độc đối với sức khoẻ con người.

 

Tình trạng đào đường, thi công các công trình cơ sở hạ tầng để bùn đất tràn ra đường, thời tiết nắng nóng và xe cộ phát tán lượng bùn đất này vào không khí khiến tình trạng ô nhiễm bụi lơ lửng cũng tăng cao.

 

Do đó, nhiều vị trí khác không được lắp đặt trạm quan trắc nhưng vẫn được “đánh giá” là mức độ ô nhiễm khói bụi còn cao hơn các vị trí đang quan trắc như: khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn gần chân cầu Thủ Thiêm), khu vực đang thi công ven Đại lộ Đông Tây... đều là những đoạn đang có công trình thi công.

 

Một nguyên nhân lớn khác gây nên tình trạng ô nhiễm khói bụi trong không khí TP là các nhà máy, xí nghiệp sản xuất. Hầu hết các nhà máy đều xây dựng ống khói cao, khói bụi phát tán trên tầng cao nên người dân khó nhận thấy mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ. Nhưng thực tế đây là nguồn “đóng góp lớn” vào tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay của TPHCM.

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn thì tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn TP vẫn chưa được cải thiện vì việc kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm không khí chưa được chú trọng.

 

Ông cho rằng: “Các nguồn phát thải giao thông vận tải và công nghiệp là nguồn phát thải ô nhiễm không khí chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng là số lượng nguồn thải tăng lên không ngừng do sự gia tăng ồ ạt các phương tiện xe máy và sự ra đời ngày càng nhiều của các cơ sở sản xuất công nghiệp”.

 

Ông cũng lo lắng vì hầu hết các nguồn thải cũng không được kiểm soát để đạt được tiêu chuẩn phát thải (100% xe máy chưa được kiểm soát, 80% các cơ sở sản xuất công nghiệp có phát thải chất gây ô nhiễm không khí không lắp đặt hệ thống xử lý khí thải).

 

Tùng Nguyên