1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Khóa sổ” tử tù bị xử bắn

(Dân trí) - Người bị kết án tử hình sẽ được thụ án bằng cách tiêm thuốc độc thay cho xử bắn từ 1/7, khi Luật thi hành án hình sự chính thức có hiệu lực. 7 đạo luật khác cũng bắt đầu được áp dụng từ 1/7.

7 đạo luật khác bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/7, gồm: Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Khoáng sản; Luật Chứng khoán sửa đổi; Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm.
 
“Khóa sổ” tử tù bị xử bắn - 1
Tử tù được ăn uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi về gia đình trước giờ thi hành án.

Điểm mới nhất của Luật Thi hành án hình sự là việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình. Theo Luật, thay vì xử bắn như hiện nay, người chấp hành án tử hình sẽ bị tiêm thuốc độc. Đây là hình thức thi hành án tử hình có nhiều ưu điểm hơn trong việc khắc phục những bất cập hiện nay trong thi hành án tử hình.

Trước khi thi hành án, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị xử tử được gửi đơn đến Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị cho nhận tử thi về an táng và phải cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.

Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 11/2010, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước đối với những người chấp hành án.

Cùng trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, Luật Tố tụng hành chính tạo điều kiện thuận lợi, vị thế bình đẳng cho người dân trong những vụ án kiện… quan. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính đã có thể khởi kiện ngay ra tòa án. Trường hợp người dân vẫn đi theo quy trình khiếu nại thì hết thời hạn theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó cũng vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

Luật mới quy định cơ chế cho Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tự xét lại quyết định của mình khi phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nhận định “làm oan” cho người dân trước đó.

Đây là điểm mới cơ bản so với pháp lệnh giải quyết khiếu nại tố cáo hiện hành. Việc quy định cơ chế xem xét lại các quyết định tối cao như trên xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiều vụ án thấy sai mà không sửa được. Đồng thời việc tự xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng nhằm mục đích bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có 8 điểm mới so với Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999, đặc biệt là quy định thêm nhiều trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi bán hàng. Theo đó, người kinh doanh phải cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ tùng thay thế của loại hàng hóa thiết bị khi hỏng hóc để người tiêu dùng cân nhắc trước khi mua; hợp đồng cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng phải rõ ràng, minh bạch, trong trường hợp có cách hiểu khác nhau giữa hai bên thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ ưu tiên theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Khi sản phẩm được mang đi bảo hành, doanh nghiệp phải cung cấp sản phẩm thay thế để người tiêu dùng sử dụng. Linh kiện thay thế khi bảo hành phải được tính thời gian bảo hành mới (từ thời điểm thay). Doanh nghiệp buộc phải thay thế sản phẩm mới tương tự hoặc trả lại tiền cho người tiêu dùng nếu món hàng bị bảo hành lặp đi lặp lại tới 3 lần mà vẫn không khắc phục được lỗi.

Cũng nhằm mục đích bảo vệ người sử dụng sản phẩm, Luật An toàn thực phẩm có hẳn một chương riêng nhằm vào lĩnh vực “khó quản” nhất hiện nay là thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ do đây là loại hình kinh doanh đặc biệt, là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất.

Các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Y tế và các bộ khác có liên quan cũng được quy định rõ ràng trong Luật. Đây là những quy định góp phần hạn chế hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm.

P.Thảo