1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Khó tinh giản biên chế hai ngành y tế, giáo dục

(Dân trí) - Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch tinh giản biên chế của Chính phủ do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12/1, đại diện một số địa phương cho biết, đang gặp nhiều khó khăn trong việc tinh giản biên chế ở hai ngành y tế, giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, việc tinh giản biên chế trong ngành tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, ngành này đã thực hiện trước khi có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và chỉ đạo Chính phủ.

Nhiệm vụ cụ thể ngành tư pháp thực hiện là chuyển từ phòng công chứng của nhà nước sang phòng công chứng tư (hiện chuyển được 30%). Các trung tâm bán đấu giá tài sản cũng chuyển sang tư nhân, do vậy số lượng trung tâm bán đấu giá tài sản ngoài nhà nước tăng lên khá nhiều. Lĩnh vực thi hành án dân sự cũng dần được xã hội hóa, trong đó có thừa phát lại.

Từ việc thực hiện hàng loạt biện pháp trên, ông Tụng cho biết, biên chế ngành tư pháp ngày càng gọn nhẹ. Đơn vị này cũng đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 39, cũng như kế hoạch của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thời gian tới sẽ làm việc với ngành y tế và giáo dục để làm rõ những băn khoăn của các địa phương
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thời gian tới sẽ làm việc với ngành y tế và giáo dục để làm rõ những băn khoăn của các địa phương

Tuy nhiên, có một điều ông Tụng băn khoăn là công việc ngành tư pháp được giao ngày càng nhiều, nhưng theo tinh thần của việc tinh giản biên chế lần này là tinh giản mà vẫn phải bảo đảm công việc được giao.

“Mâu thuẫn thấy rõ là trong mấy năm gần đây công việc, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho ngành tư pháp ngày càng tăng. Hơn nữa khi thành lập một số đơn vị mới không thể không tăng thêm biên chế kể cả trung ương và địa phương. Vì để đảm bảo các nhiệm vụ đó thì phải có con người, tài chính, cơ sở vật chất”, ông Tụng nêu băn khoăn.

Đề cập vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Anh Tuấn cho rằng, tinh giản biên chế không chỉ là đưa số lượng người không làm được việc ra khỏi bộ máy hành chính mà còn bao gồm nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng công chức, viên chức.

“Làm sao chúng ta vẫn tinh giản biên chế nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ? Những người không làm được việc đưa vào diện tinh giản biên chế, cũng là điều kiện để lấy những người tài vào trong bộ máy. Nếu vẫn để những người không làm được việc trong bộ máy thì sẽ ảnh hưởng đến công việc, nhiệm vụ của đơn vị”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói rõ tinh thần.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số tỉnh thành cho biết, hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tinh giản biên chế, do một số Bộ ngành có ý kiến không đồng tình với việc sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã có chủ trương sáp nhập một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hai Sở Y tế và Giáo dục do có nhiều đơn vị chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. “Tuy nhiên, cứ đụng vào các trung tâm ở các sở ngành thì các Bộ ngành ở trung ương lại có ý kiến ngay vì họ lo mất chân rết ở địa phương”, ông Lĩnh nói.

Cùng vấn đề trên, bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay, tỉnh cũng có chủ trương sáp nhập một số ban, cơ sở sự nghiệp để thực hiện chính sách tinh giản. “Chúng tôi thấy các sở ngành có quá nhiều đơn vị sự nghiệp như trong ngành y tế, giáo dục. Vì vậy, chúng tôi rà soát để giảm bớt đầu mối cũng như biên chế, nhưng không nhận được sự ủng hộ của các Bộ ngành”, bà Hoa nói.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đề nghị các Bộ ngành ở trung ương ủng hộ kế hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, bà Hoa cũng nêu một số khó khăn trong việc tinh giản biên chế ở ngành y tế và giáo dục vì tính biên chế giáo viên và bác sĩ theo sĩ số học sinh và tỷ lệ giường bệnh. Trong khi đó hai ngành này những năm qua liên tục bị quá tải.

Tình trạng đó cũng lặp lại ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ thành phố này cho hay, hiện đang quá tải trong hai ngành trên. Cụ thể, ở Thành phố Hồ Chí Minh riêng trong năm 2016 tăng thêm 85.000 học sinh mới. Từ vấn đề đó ông Lắm băn khoăn làm sao để giảm 10% biên chế trong ngành này từ nay đến năm 2021.

Theo ông Trần Anh Tuấn các địa phương cần tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định của pháp luật. “Hiện có 11 địa phương vượt quá biên chế được giao, điều đó là vi phạm trong việc quản lý biên chế”, ông Tuấn nói.

Trước thực tế các địa phương nêu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, định mức của hai ngành này được ban hành lâu, thời gian tới Bộ Nội vụ có trách nhiệm làm việc với hai ngành giáo dục và y tế để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay và đúng theo tinh thần chung của kế hoạch tinh giản biên chế.

Ông Tuấn cũng cho biết, qua quá trình thẩm tra vẫn cho thấy có một số đơn vị chưa làm đúng việc xác định đối tượng để tinh giản biên chế. Cụ thể như một số người được đánh giá phân loại là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ hoặc có trình độ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm mà vẫn bị đưa vào diện tinh giản. Bên cạnh đó có những cơ quan, tổ chức, đơn vị không tổ chức sắp xếp lại bộ máy nhưng cũng lấy lý do đó để tinh giản biên chế.

Trong quá trình thẩm tra, Bộ Nội vụ đã không thống nhất các trường hợp tinh giản không đúng đối tượng quy định. Theo ông Tuấn, việc thẩm tra của Bộ Nội vụ cũng nhằm tránh xảy ra tình trạng thất thoát lãng phí trong quá trình tinh giản, nghĩa là đảm bảo chỉ tinh giản đúng người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, không đảm bảo sức khỏe...

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm