1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Khổ lắm”, đi siêu thị ngày giáp Tết

(Dântrí) - Nếu ai đó muốn hiểu “sâu” nỗi khổ của sự mua sắm, muốn tự “hành xác” hoặc muốn được dồn nén bởi những lời than vãn… hãy vào siêu thị ngày cuối tuần giáp Tết. Thậm chí, nếu ai muốn tự đo khả năng cảnh giác của mình thì đó cũng là nơi rất… “thích hợp”!

“Tay em run quá!”

 

Không khí mua sắm ngày giáp Tết “xôm” ngay từ lối vào bãi gửi xe của siêu thị Big C (đường Trần Duy Hưng, Hà Nội). Cho dù có đến 4 cánh cửa nhỏ cho xe vào, cộng với cách làm linh hoạt là một người ghi, một người phát vé, nhưng vẫn không thể “giải tỏa” ùn tắc. Những người “chen nhanh” cũng phải mất 20 phút để nhích xe vào nơi ghi vé.

 

Bước vào siêu thị, cả một biển người đang chuyển động, tìm kiếm và lựa chọn hàng hóa. Cho dù có rất nhiều lối đi, nhiều kệ hàng, nhưng ở bất cứ lối đi nào, sự di chuyển cũng gặp “chướng ngại” người.

 

“Khổ lắm”, đi siêu thị ngày giáp Tết - 1

Nếm vị siêu thị từ vòng… gửi xe.

 

Những chiếc xe đẩy cứ loay hoay xoay xở rồi tiến lên một cách cực nhọc. Chỉ cần hai chiếc xe đẩy đối đầu đã khiến giao thông ngưng trệ, thậm chí gây ra lời qua tiếng lại giữa những người đang điều khiển chúng. Sự khó khăn này khiến một số người “chán” xe, bỏ chúng ở một nơi, chạy đi gom hàng và điều này càng mang đến nhiều hơn sự bực bội cho người khác.

 

“Nóng” nhất về không khí mua bán phải kể đến khu vực bán kẹo cân, nơi mà cả “núi kẹo” được bày ra và người mua cứ việc xúc vào túi. Sự “tự do” này tạo nên thuận tiện ban đầu, nhưng lại có sức dồn nén mạnh ở khâu cân đong. Nhiều vòng người xúm vào những chiếc cân, đua nhau đặt túi đồ của mình lên cân.

 

Tiếng tranh giành, tiếng xin xỏ cân trước, tiếng dàn xếp của người cân tạo nên một không khí mua bán hiếm thấy trong năm. Đã có lúc vì nhiều người cùng đặt mạnh túi xuống đã khiến chiếc cân… mất điện. Chen chúc lại thêm chen chúc!

 

Nhưng “khổ sở” nhất phải kể đến “cửa ải” cuối cùng là tính tiền. Lượng người mua lớn, cộng với số đồ mua lớn, khiến cho việc xếp hàng ở cửa ra còn cực hơn nhiều lần so với cảnh xếp hàng mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp. Việc di chuyển trong 5m ngắn ngủi này được đổi với “giá” nhẹ nhàng cũng là khoảng 40 phút. Nếu chẳng may xếp sau những người “tham” mua sắm thì sự chờ đợi còn tệ hại hơn rất nhiều.

 

“Tôi có con nhỏ, tôi xếp trước sao lại chen vào”, “Không có kiểu gửi hàng người đi trước như thế được đâu”… là những câu có thể nghe thấy ở đây. “Khổ” là từ được những người xếp hàng lạm dụng nhiều nhất, “lẩm bẩm” nhiều nhất.

 

Khoảng 5h chiều qua, chị Hà Nguyên ở phố Ngọc Hà, sau gần một tiếng chen đến lượt mình, khi nhấc hàng lên, cả túi hạt điều bị rơi vung vãi, đã mấp máy môi:… “tay run quá”. Nhưng cũng có người không đủ sức chờ đến lượt mình, bỏ giỏ hàng ra ghế bên ngoài ngồi… thở.

 

Có những người chồng “nóng nảy” sau khi đứng quá lâu bên ngoài đợi vợ “thi thố” ở vòng về đích đã truyền “lệnh” vào: “Không thanh toán nữa. Bỏ đi!”… Cũng có người như anh Lê Văn Hùng ở đường Bưởi động viên vợ gắng chờ, nhưng cũng nói “rắn” là… “không có lần sau”! Không khí ngột ngạt khiến người có con nhỏ buông lời than vãn: “Đến người lớn còn khó thở, nói gì đến con trẻ”.

 

Trời đang lạnh, nhưng bên trong siêu thị nhiệt độ “gài đặt” khá cao, cộng với nhiệt người tạo ra từ sự chen chúc đã khiến nhiều người đổ mồ hôi. Càng về chiều muộn, sự dồn nén của thời gian, của sự chờ đợi, của những lời than vãn từ xung quanh khiến cho mỗi nguời như càng bị… nâng nhiệt.

 

“Khổ lắm”, đi siêu thị ngày giáp Tết - 2

Chờ đợi đến bủn rủn chân tay tại "cửa ải" cuối cùng.

 

Cực chẳng đã nhiều cặp vợ chồng đi mua sắm đã phải… tách đôi. Đức ông chồng khư khư ôm tạm vài thứ mua được ra xếp hàng thanh toán trước để vợ đảm nhận tiếp việc mua sắm. Người vợ mua xong, mang hàng ra “tái hợp” với chồng rồi chờ lên bàn thanh toán là vừa.

 

Rất nhiều người… “đánh rơi”

 

Siêu thị ngày cuối tuần dịp giáp Tết là mảnh đất mà những kẻ “móc túi” phát huy được nhiều nhất khả năng của mình. Anh Văn Mạnh ở ngõ 132 Cầu Giấy kể, năm ngoái, anh chỉ mất khoảng 10 giây rời tay khỏi chiếc điện thoại khi đang xếp hàng cân kẹo ở siêu thị mà chiếc điện thoại đã biến mất không một dấu vết…

 

Năm nay xem ra người đi siêu thị cũng vẫn… dễ mất. Chiếc loa của siêu thị Big C cứ một hồi lại vang lên lời nhắc nhở “quí khách” cẩn thận với điện thoại di động và ví tiền của mình. Nhưng xen kẽ giữa những lời cảnh báo, thỉnh thoảng chính chiếc loa này lại vang lên những lời nhắn… “ai nhặt được”.

 

Cụ thể, sinh viên A vừa đánh rơi một chiếc ví, trong đó có thẻ sinh viên, chứng minh thư. Anh H vừa đánh rơi một chiếc chìa khóa xe máy, ai nhặt được xin gửi lại quầy lễ tân. Thậm chí, chiều qua một phụ nữ Nhật Bản cũng đã nhờ loa nhắn là đã “đánh rơi” nhiều giấy tờ mang theo… Nghe xong những lời nhắn này, không ít người “phân vân”, toàn những đồ để trong túi, trong người, sao lại… đánh rơi?!

 

Nhiều khách có mặt ở quầy kẹo cân chiều qua cũng đã được nghe một phụ nữ tên Chiến trần tình về chiếc ví tự nhiên biến mất của mình. Cô Chiến cho biết, chiếc ví được cô đặt trong chiếc túi đeo bên người, bên ngoài chiếc túi được “niêm phong” bằng cả chiếc túi ni lông. Kẻ gian đã xuyên tay qua chiếc túi ni lông, chiếc túi da và lấy đi chiếc ví một cách hết sức “chuyên nghiệp”.

 

Cô Chiến chỉ có thể tự an ủi một phần khi trong túi của mình chỉ có rất ít tiền, nhưng trong đó lại có những giấy tờ quan trọng khác nhau. Và thế là, cô tất tả nhờ chiếc loa thông báo mình “đánh rơi” để mong chuộc lại được giấy tờ, không dám “ho he” gì chuyện bị móc túi!

 

Kim Tân