1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khó kiểm soát chất lượng hộp đen xe ô tô

(Dân trí) - Theo quy định, các thiết bị hộp đen lắp đặt cho các phương tiện vận tải phải được Bộ Giao thông vận tải chứng nhận hợp chuẩn, song thực tế, các thiết bị này lại đang được “cắt xén” để “tốt” cho cả đơn vị vận tải và đơn vị cung cấp hộp đen.

Đến ngày 1/7 tới đây, dự kiến sẽ có hơn 35 nghìn xe khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe hợp đồng và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) để được tiếp tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp, HTX vận tải đã chấp hành quy định lắp hộp đen nhưng thực tế cho thấy, nhiều thiết bị được lắp đặt không đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu theo Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT.

Trước thời điểm qui định bắt buộc các phương tiện thuộc diện phải lắp đặt hộp đen thì mới cấp tiếp giấy phép kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) có cuộc khảo sát về tình hình thực hiện tại các doanh nghiệp, HTX vận tải. Kết quả cho thấy, các đơn vị vận tải đã tích cực triển khai và có kế hoạch đảm bảo đến hết 30/6/2012 sẽ hoàn thành việc lắp đặt.
 
Hộp đen đăng ký hợp chuẩn với Bộ GTVT gồm 2 cục thiết bị.
Hộp đen đăng ký hợp chuẩn với Bộ GTVT gồm 2 cục thiết bị.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc khai thác thiết bị hộp đen còn chưa cao, chỉ có khoảng 15% phương tiện thuộc các đơn vị vận tải quản lý tập trung quan tâm đến khai thác thiết bị phục vụ cho quản lý và đảm bảo an toàn giao thông. Số còn lại lắp đặt chỉ để được kiểm định và được cấp phù hiệu hoạt động, chưa phục vụ công tác quản lý.

Đặc biệt, chất lượng hộp đen được gắn trên ô tô không được kiểm soát, có đơn vị được công nhận hợp chuẩn nhưng lại giao cho những cơ sở khác đảm nhiệm nên nhiều thiết bị không đủ các chức năng theo quy định, tình hình này diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Chúng tôi đã khảo sát tại nhiều công ty, hợp tác xã vận tải. Thực tế cho thấy, việc các đơn vị vận tải lắp đặt hộp đen không đảm bảo chất lượng lại đem đến lợi nhuận cho cả đơn vị vận tải và đơn vị cung cấp hộp đen. Các công ty kinh doanh hộp đen sẽ bán được nhiều thiết bị hơn, các đơn vị vận tải cũng có “giấy thông hành” để tiếp tục được cấp phép vận tải mà không phải mất nhiều chi phí.

Tuy nhiên, việc các hộp đen thiếu tiêu chí so với hợp chuẩn đã đăng ký khiến nhiều đơn vị vận tải muốn mua thiết bị “xịn” bức xúc vì khó kiểm soát phương tiện của mình. Tại Công ty Vận tải số 8 (Hà Nội), ông Nguyễn Nam Bình - Trưởng phòng quản lý vận tải cho biết: “Chúng tôi đã lắp đặt 30 thiết bị hộp đen của công ty B. Tuy nhiên, bất cập của thiết bị này là nhiều khi thiết bị mất tín hiệu khiến bộ phận quản lý tại trung tâm không thể theo dõi, liên lạc được với lái xe và toàn bộ thông tin của chiếc xe bị tắt hoàn toàn.

Thiết bị mà công ty lắp đặt cũng không có bộ phận cảnh báo xe chạy quá tốc độ mà chỉ truyền dữ liệu tốc độ về trung tâm. Việc này khiến cho lái xe khi điều khiển trên đường không nhận biết được việc mình đang chạy quá tốc độ tối đa cho phép là 80km/h”.
 
Hộp đen thực tế được lắp đặt chỉ có 1 cục thiết bị.
 
Hộp đen thực tế được lắp đặt chỉ có 1 cục thiết bị.
Hộp đen thực tế được lắp đặt chỉ có 1 cục thiết bị.

Qua khảo sát một số thiết bị hộp đen đã được lắp đặt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi nhận thấy, một số thiết bị đã không đạt được các tiêu chí tối thiểu theo quy chuẩn mà doanh nghiệp sản xuất, lắp đặt đã đăng ký với Bộ GTVT.

Chủ nhiệm HTX vận tải tại Yên Lạc (Vĩnh Phúc) tỏ ra khá bức xúc khi hơn 20 hộp đen (cùng của công ty B. cung cấp) được lắp đặt cho các phương tiện của mình hoạt động không ổn định, thường xuyên bị mất tín hiệu. “Nhiều thiết bị còn không hoạt động được do nguồn điện bị trục trặc. Đặc biệt, hộp đen này cũng không có chức năng cảnh báo lái xe đi quá tốc độ, không có ứng dụng khai báo và quản lý thời gian điều khiển phương tiện của lái xe. Hầu hết các doanh nghiệp khác trên địa bàn cùng lắp loại hộp đen này đều trong tình trạng tương tự. Vì chất lượng không bảo đảm nên chúng tôi vừa yêu cầu công ty công ty lắp đặt phải có biện pháp khắc phục.”

Kiểm tra hộp đen trên một xe khách chạy đường dài của một xã viên HTX vận tải Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và đối chiếu với bộ qui chuẩn theo Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT cũng có thể thấy ngay những “thiếu sót” của loại hộp đen do công ty B. cũng cấp cho khách hàng.

Theo quan sát thì thiết bị này chỉ có phần cứng như một thiết bị thông thường bán trôi nổi ngoài thị trường, không thấy lắp đặt dây kiểm soát đóng mở cửa, không có cả hộp khai báo thông tin lái xe, lưu trữ số liệu giám sát hành trình và giao tiếp người. Chủ nhân của chiếc xe được lắp thiết bị này cho biết: “Công ty lắp đặt thế nào thì nên thế. Nhà xe thực ra cũng không cần sử dụng gì nhiều. Nhà nước yêu cầu thì lắp cho đúng qui định để được chạy xe…”.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, nhiều thiết bị hộp đen của các công ty khác nhau “bỏ quên” phần thiết bị khai báo thông tin lái xe, nếu có thì cũng không thực sự phát huy hiệu quả. Có thiết bị bố trí 3 nút ấn B1, B2, B3 được cài đặt thông tin cho 3 tài xế khác nhau, ai lái xe chỉ việc ấn vào nút của mình, song, một tài xế hoàn toàn có thể ấn 1 trong 3 nút, công ty khó có thể xác thực là ai đang lái xe. Có thiết bị sử dụng USB để nhận dạng lái xe. Lái xe chỉ cần cắm USB đã được khai báo thông tin vào thiết bị hộp đen để nhận dạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chiếc USB này hoàn toàn có thể “trao tay” cho bất kỳ ai, và tất nhiên, việc xác thực ai đang lái xe là một việc quá khó với người quản lý.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: “Tình trạng này xuất phát từ thực tế hầu hết các doanh nghiệp, HTX vận tải đều có qui mô nhỏ lẻ nên họ không thấy có sự cần thiết phải lắp hộp đen chỉ để theo dõi chính mình. Vì thế, họ chỉ lắp cho có để được tiếp tục cấp phép kinh doanh vận tải và các đơn vị lắp đặt cũng đã chiều theo ý của khách hàng để giảm giá bán.”

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Ích - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) - cho biết: “Dù chưa chính thức xác nhận nhưng những hộp đen mà thiếu các tiêu chí như đã nêu thì chắc chắn sẽ không đạt chuẩn theo qui định tại Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra về tình hình lắp đặt thiết bị này và sẽ có biện pháp chấn chỉnh.”

Ánh Ngọc