Lắp hộp đen ôtô: Lùi thời hạn xử phạt, doanh nghiệp vẫn than khó!

(Dân trí) - Xử phạt hộp đen (GPS) đã được lùi lại tới năm 2013, nhưng việc lắp đặt vẫn bắt buộc từ ngày 1/7 tới đây. Ngày áp luật đã tới, các đơn vị vận tải vẫn chần chừ với lí do "chưa có quy chuẩn và chi phí cao".

Tới hạn vẫn khuyến cáo dừng lắp

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam: “Hiệp hội không chỉ kiến nghị lùi xử phạt mà còn đề nghị lùi lộ trình lắp ráp đến thời điểm các đơn vị cung cấp thiết bị này đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ GTVT, và cũng cần phải có thời gian để doanh nghiệp lựa chọn thiết bị lắp ráp. Vì vậy tôi nghĩ là không lùi lộ trình thời hạn lắp đặt là gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều đơn vị có thể lắp ráp nhưng chưa thực hiện vì chưa có tiêu chuẩn hợp quy, hơn nữa chi phí cho việc lắp ráp này cũng rất tốn kém. Hiện nay, cả nước có khoảng 2,5 vạn chiếc container, giá lắp cho 1 chiếc trên xe cỡ khoảng 5-6 triệu đồng, như vậy cũng lên tới trên 100 tỷ đồng, đó là chưa kể xe khách. Đây là khoản tiền rất lớn trong lúc kinh tế của các doanh nghiệp rất khó khăn”.
 
Lắp hộp đen ôtô: Lùi thời hạn xử phạt, doanh nghiệp vẫn than khó! - 1

Thống kê của Hiệp hội Vận tải, hiện cả nước có khoảng 1.000 xe đã lắp đặt thử nghiệp thiết bị GPS

Nhiều doanh nghiệp vận tải nêu ý kiến cho rằng, GPS không phải chỉ là thiết bị lắp trên xe, cái quan trọng là khai thác thông tin như thế nào. Nếu không có 1 hệ thống quản lý theo dõi xe thì việc lắp cũng bằng 0. Đây là 1 vấn đề khoa học, không phải chỉ là bỏ mấy triệu lắp 1 thiết bị trên xe là xong, phải đào tạo cán bộ để khai thác thông tin của GPS.

“Lắp GPS là tốt, nhưng chỉ tốt đối với những doanh nghiệp lớn. Đặc thù của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam là rất nhỏ, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, có doanh nghiệp chỉ 2-3 xe, đặc biệt là các hợp tác xã. Các doanh nghiệp chưa có thời gian chuẩn bị cho công việc này, nếu lắp trên xe không mà không có thiết bị theo dõi thì cũng gây lãng phí.

Đối với thế giới thì GPS không mới nhưng với ta thì là mới. Do đó cần có thời gian nghiên cứu, chứ nếu ta vội vã thì sẽ gây ra lãng phí. Cho nên theo ý kiến của tôi việc không điều chỉnh Nghị định 91 là một sai lầm, không nghĩ đến quyền lợi của doanh nghiệp, không nghĩ đến tính phưc tạp của thiết bị này. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo doanh nghiệp là dừng lắp đặt, chờ các đơn vị đủ tiêu chuẩn hợp quy mới lắp đặt GPS” - ông Hùng khẳng khái nói.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: “Lợi ích của thiết bị thì với chúng tôi tới giờ cũng chưa rõ.Việc lắp thì chúng tôi vẫn lắp, nhưng sau đấy làm gì với thiết bị đó thì tới giờ chúng tôi chưa biết thế nào, chúng tôi cũng đang lúng túng với việc ấy. Hiện tại chúng tôi cũng chưa lắp đặt, mới chỉ ký hợp động với nhà cung cấp, định lắp thí điểm cho một xe chạy cư ly trên 500km”.

Chờ Bộ GTVT…

Liên quan đến vấn đề quy chuẩn, ông Bùi Danh Liên cho biết: “Một vài ngày tới tôi phải lên Bộ để hỏi lại cho rõ về Nghị định 33 và tinh thần triển khai như thế nào. Vì tới thời điểm này, có nhiều đơn vị sản xuất thiết bị GPS có đến đề nghị lắp đặt, nhưng vấn đề giờ là thiết bị nào hợp chuẩn, đơn vị nào kiểm định, giấy chứng nhận do ai cấp thì chưa rõ.

Nếu lắp bừa thì sau đó cơ quan nhà nước họ không chấp nhận thì chết doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại TP. HCM, có chi nhánh ngoài này, lắp xong, ban giao tiền mà có vấn đề xảy ra thì biết kêu ai?”
 
Lắp hộp đen ôtô: Lùi thời hạn xử phạt, doanh nghiệp vẫn than khó! - 2
Nhiều doanh nghiệp đang chờ Bộ GTVT ra quy chuẩn nên chần chừ lắp đặt GPS

Về quan điểm của nhà sản xuất thiết bị GPS, bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Duy Minh khẳng định: “Các doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu đều đã sãn sàng với GPS, giờ chỉ chờ Bộ GTVT ban hành quy chuẩn kiểm định, đơn vị được kiểm định. Sau khi quy chuẩn được ban hàn, chắc khoảng 20 ngày sau, chậm nhất là 30 ngày thì sản phẩm được kiểm định đạt tiêu chuẩn sẽ có mặt trên thị trường”.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng việc triển khai sẽ không thể nhanh được, vì GPS không giống như mũ bảo hiểm đội ập lên đầu là xong, mỗi xe lắp một kiểu, rồi bản thân quá trình lắp đặt cũng phải đảm bảo các doanh nghiệp vận tải hoạt động bình thường, chỉ có thể lắp khi xe đó rỗi, hoặc khi về bãi. Các nhà sản xuất thiết bị đều có sự chuẩn bị, tuy nhiên giờ triển khai trên diện rộng cả nước thì không thể nào nhanh được. Đây phải là một quá trình dần dần.

Ngoài ra, để thiết bị phát huy tác dụng thì phải hoàn thiện cả hệ thống hạ tầng, trung tâm điều khiển, nhân viên kỹ thuật…

Được biết, hiện cả nước đã cớ 1.000 xe đã lắp đặt GPS nhưng chỉ thử nghiệm ở các công ty lớn. Theo đánh giá và thống kê của Hiệp hội Vận tải là tốt, đại bộ phận là các doanh nghiệp siêu nhỏ nên lắp như thế nào là điều Hiệp hội Vận tải khuyến cáo phải lưu ý.

Trên thực tế, lộ trình của Nghị đinh 91 là bắt đầu từ 1/7, theo đó các doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép kinh doanh vận tải từ các Sở GTVT phải thỏa mãi điều kiện là có hợp đồng lắp đặt GPS và nghiệm thu GPS, vì vậy việc không lùi hạn lắp đặt GPS gây lúng túng và khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, chưa có đơn vị nào lắp thiết bị theo hợp chuẩn nên các doanh nghiệp còn chần chừ.

Quỳnh Anh