1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khó gỡ bài toán chống “vỡ quỹ” lương hưu

(Dân trí) - Tăng tuổi nghỉ hưu gây nguy cơ thiếu việc cho lực lượng lao động mới. Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tạo áp lực cho doanh nghiệp và người lao động. Giảm mức trả lương hưu ảnh hưởng đời sống người hưu trí… Các giải pháp chống “vỡ quỹ” lương hưu đều… tắc.

Ngày 6/9, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì tổ chức hội thảo “chính sách bảo hiểm hưu trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nhưng chỉ mới bước ra khỏi danh sách một trong những nước nghèo nhất thế giới để trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 USD/năm. Việc mở rộng phạm vi tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH, đảm bảo chế độ hưu trí là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quan trọng.

Thực tế, đúng như cảnh báo mới đây của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Phó Tổng GĐ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ 2007 đến nay, quỹ lương hưu phải chi trả thêm cho 3.200 người nghỉ hưu mới mỗi năm. Năm 2012 số đối tượng hưởng chế độ hưu tăng 1,78 lần so với 2007, số tiền chi lương hưu tăng 4,11 lần.

“Những năm tới, số người nghỉ hưu hưởng từ quỹ bảo hiểm xã hội càng nhiều, số chi cho quỹ sẽ tăng nhanh và tương lai gần quỹ sẽ mất cân đối. Từ 2024 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải sử dụng thêm số kết dư mới đảm bảo thu chi” – bà Phương xác nhận, thời điểm dự báo bắt đầu mất cân đối thu chi với quỹ đúng như ILO khuyến nghị là năm 2024 và đến 2037 quỹ sẽ cạn kiệt.
Khó gỡ bài toán chống “vỡ quỹ” lương hưu
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Mai Đức Chính (đứng) và đại diện các cơ quan cùng chủ trì hội thảo.

Bàn hướng điều chỉnh chính sách để tránh nguy cơ “vỡ quỹ”, bà Phương đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam muốn đẩy nhanh lộ trình, từ năm 2016 trở đi tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ công chức viên chức với lộ trình cứ 3 năm tăng 1 tuổi đến khi nam đủ 62 và nữ đủ 60 tuổi.

PGS.TS Giang Thanh Long (ĐH Kinh tế Quốc dân) đồng ý với những phân tích về sự thay đổi trong cơ cấu dân số khi Việt Nam sẽ sớm bước qua thời kỳ “dân số vàng” (2 người trong độ tuổi lao động mới phải “nuôi” 1 trẻ em hoặc người già). Tuy nhiên, ông Long cho rằng giải pháp tăng độ tuổi nghỉ hưu sẽ chỉ giúp quỹ lương hưu duy trì cân bằng, kéo dài khả năng chi trả thêm một thời gian không lớn.

Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội cũng giúp cải thiện nguồn chi lương hưu đôi chút nhưng tương lai xã hội vẫn phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng quỹ.

Ông Long nghiêng về phương án “tận thu” khi chỉ ra nghịch lý, cả nước có 50 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng bảo hiểm xã hội chỉ thu được tiền tham gia bảo hiểm của 10,5 triệu người, rõ ràng không đảm bảo cân đối của quỹ lương hưu. Nếu tăng được tỷ lệ người tham gia bảo hiểm lên mức 60-80% thì số tiền đóng bảo hiểm thu được sẽ tăng rất lớn. Tận dụng thời cơ “dân số vàng” để đẩy bật quy mô quỹ bảo hiểm xã hội ngay lúc này là kiến nghị của ông Long.

Đồng ý với lập luận này nhưng Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cũng chỉ ra thực tế, dù đặt mục tiêu phấn đấu đến 2020 tăng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên mức 50% nhưng để nâng số tuyệt đối từ 10,5 triệu người hiện nay lên mốc 25-26 triệu người là việc hết sức khó khăn.

Hướng nâng mức đóng bảo hiểm, dù là tính trên lương tối thiểu, trên tổng thu nhập hay trên lương và phụ cấp… ông Huân cũng cảnh báo khả năng “vấp” phản ứng mạnh mẽ từ dư luận vì khi đó, doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí, thêm gánh nặng và cuối cùng, việc này lại gây áp lực lên chính đồng lương của người lao động.

Tăng tuổi lao động cũng, theo ông Huân cũng là bài toán nan giải vì độ tuổi này đã quy định ổn định từ nhiều chục năm nay. Trong khi đó, phương án giảm chi, hạ chế độ chi trả lương hưu lại ảnh hưởng đời sống của những người nghỉ hưu vì thực tế, mức lương hưu bình quân hiện nay mới chỉ đạt 3 triệu đồng/người/tháng, mới chỉ đảm bảo hơn nửa nhu cầu sống của người hưu trí. Nhiều người vẫn phải sống phụ thuộc vào con cháu.

Một chuyên gia của ILO đến từ Đức lấy ví dụ từ chính nước mình, tuổi nghỉ hưu đã tăng từ 65 lên 67 tuổi đối với cả nam và nữ. Người muốn nghỉ hưu sớm cũng phải chịu mức phạt 0,2% cho mỗi năm nghỉ sớm so với mức lương sẽ hưởng. Trong khi ngược lại, ở Việt Nam, đăng ký nghỉ hưu sớm một vài năm sẽ được thưởng “một cục” và mức lương hưu lĩnh không thay đổi so với người nghỉ đúng tuổi.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi phân tích thêm, chính sách bảo hiểm áp dụng hiện nay không phải là bảo hiểm hưu trí (bảo hiểm cho khả năng lao động khi tuổi tác suy yếu) mà là bảo hiểm theo nghề nghiệp, chức vụ. Vậy nên, ngay cả khi còn sức khỏe nhưng cảm giác “không lên” được nữa, chỉ dừng lại ở chức vụ đã đạt, như trong khối quân sự, thì 45 tuổi đã được động viên… về nghỉ.

Xác nhận đây là một thực tế, rằng có những cán bộ trong lực lượng vũ trang sinh năm 1974 nhưng đến năm nay đã nghỉ hưu (nghỉ hưu khi mới 39 tuổi) nhưng Thứ trưởng Phạm Minh Huân biện giải, việc tăng tuổi cũng cần đánh giá đến yếu tố sức khỏe, tâm lý yêu thích lao động hay không của người dân cũng như xem xét khả năng tạo việc làm cho người trẻ mới gia nhập thị trường lao động.

Chia sẻ băn khoăn này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Mai Đức Chính đề cập lại chuyện sửa Bộ luật lao động vừa qua, chỉ mới bàn việc nâng tuổi lao động lên 60 đối với một số chức danh quản lý nữ đã không dễ dàng, bàn việc tăng tuổi nghỉ hưu với cả 2 giới lên 62 sẽ là… cực khó. Kết quả thăm dò dư luận xã hội hiện tại, vẫn 75% lao động nữ không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Trừ nhóm nhân viên làm việc trong phòng máy lạnh còn cả giáo viên, bác sỹ… đều không muốn làm thêm.

“Về sức khỏe, 58.000 lao động ngành cao su chỉ đến 45 tuổi đã không đủ sức thực hiện công việc dù tuổi hưu quy định cho lao động nặng nhọc, độc hại vẫn giữ ở mức 50 tuổi. Ngành dệt may, da giày, các doanh nghiệp cũng chủ yếu chỉ sử dụng lao động nữ đến 30 tuổi vì chỉ muốn tận dụng sức khỏe của lực lượng lao động trẻ” – ông Chính dẫn thêm một bài toán.

Trong khi đó, thêm 1 người già được giữ lại làm việc là mất 1 cơ hội việc làm của thanh niên. Chỉ ra những điểm “cực vướng, cực khó” ở Việt Nam, ông Chính cho rằng các hướng chính sách gợi ý vẫn… chưa sáng hướng gỡ.
 

Theo báo cáo, hiện tại, so với lực lượng lao động cả nước thì tỷ lệ lao động tham gia BHXH ở Việt Nam còn rất thấp. Tính đến hết năm 2012, trên cả nước mới có khoảng 10,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, mặc dù có tăng 3,3% so với năm 2011, nhưng chỉ đạt khoảng 78% so với số lao động thực tế phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.

Bất cập lớn nhất của hệ thống BHXH đã được chỉ ra là diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động, số người tham gia bảo hiểm y tế mới đạt khoảng 65% dân số. Quản lý nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế còn có thiếu sót.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tới đây đề ra yêu cầu phải tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, xây dựng hệ thống BHXH, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao...

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm