1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khó dùng đất đá dôi dư từ sân bay Long Thành để xây cao tốc

Ngọc Tân

(Dân trí) - Nhiều đơn vị xây lắp muốn dùng đất đá phát sinh từ việc san nền sân bay Long Thành để làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai coi đây là khoáng sản của địa phương.

Thời gian qua, việc thi công, san lấp mặt bằng tại dự án sân bay Long Thành phát sinh một lượng đất đá lớn, dẫn tới việc một số đơn vị thi công ngỏ ý xin tận dụng lượng nguyên liệu này để phục vụ các hoạt động thi công, xây dựng của mình.

Góc nhìn của đơn vị thi công thì đây là đất dôi dư từ việc đào hạ cốt nền. Tuy nhiên, địa phương cho rằng đó là khoáng sản.

Công trường không thừa đất

Ngày 26/6, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT), đơn vị quản lý dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cho biết đã đề xuất Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho tận dụng nguồn đất đào hạ cao độ tại dự án sân bay Long Thành làm vật liệu đất đắp phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trước đó, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, nhà thầu thi công san nền sân bay Long Thành, cũng có văn bản xin khai thác "đá thanh thải" tại dự án để phục vụ thi công.

Khó dùng đất đá dôi dư từ sân bay Long Thành để xây cao tốc - 1

Theo ACV, quá trình san nền sân bay Long Thành phát hiện khối lượng đá mồ côi lớn. Các loại đá này vẫn nằm tại khu vực thi công, ảnh hưởng đến quá trình thi công (Ảnh: Chí Hùng).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bách Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đánh giá việc tận dụng vật liệu phát sinh từ dự án sân bay Long Thành để thi công dự án khác sẽ không đơn giản vì phải thực hiện theo Luật Khoáng sản.

Bên cạnh đó, ông Tùng khẳng định bản chất công trường sân bay Long Thành không thừa vật liệu. Khối lượng đất đá đang dư thừa trước mắt là để dự trữ cho giai đoạn sau.

"Giai đoạn 1 của dự án đang dư khoảng 30 triệu m3 đất. Nhưng nếu tính cả 3 giai đoạn thì còn thiếu nhiều lắm. Như khu vực cốt nền của giai đoạn 3 rất thấp, phải đắp thêm hàng trăm triệu khối. Bây giờ khuân đi bao nhiêu thì về sau phải đắp bù bấy nhiêu", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng khẳng định.

Địa phương yêu cầu nộp tiền khoáng sản

Theo quan điểm của ACV, đất điều phối trong khuôn viên dự án sân bay Long Thành không thuộc khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Vì vậy, ACV không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản và nộp tiền khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng khối lượng đất điều phối thực tế từ sân bay Long Thành là đất đào từ vị trí cốt nền cao hạ thấp đến cốt nền thiết kế. Đất này lại được sử dụng để san lấp mặt bằng tại vị trí cốt nền thấp hơn cốt nền thiết kế.

Khó dùng đất đá dôi dư từ sân bay Long Thành để xây cao tốc - 2

Quá trình thi công nền móng sân bay Long Thành đòi hỏi việc đào hạ cốt nền ở vị trí đất cao và đổ đất, nâng nền ở vị trí đất thấp (Ảnh: Nam Anh).

Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, khối lượng đất này là đất làm vật liệu san lấp thuộc danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phải thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản, tức là phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

"Đến nay, ACV chưa thực hiện kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản", UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ trong văn bản gửi Chính phủ ngày 26/6. Cũng tại văn bản này, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT đôn đốc ACV thực hiện các nghĩa vụ có liên quan.

Về vấn đề đá mồ côi tại dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xử lý theo đúng quy định tại Luật Khoáng sản, tức là phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên Môi trường về việc thăm dò, khai thác khoáng sản trong khu vực dự án.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm