Ba đơn vị nào dự thầu gói nhà ga hành khách sân bay Long Thành?
(Dân trí) - Ba liên doanh gồm CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Hoa Lư và Vietur sẽ cạnh tranh gói thầu 5.10 có giá trị 35.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai ngày 6/7, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết, dự kiến trong tháng 8 sẽ khởi công xây dựng Nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Theo ông Việt, tháng 6 vừa qua, ACV đã mở hồ sơ dự thầu gói xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) và có ba liên danh nộp hồ sơ đấu thầu. Dự kiến trong tháng 7, việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu đối với hạng mục này hoàn thành.
Ba liên doanh dự thầu gồm CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Hoa Lư và Vietur.
Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors: gồm China Harbour Engineering Comopany Limited và CHEC (đại diện thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc). Theo giới thiệu, đây là những nhà thầu hàng đầu Trung Quốc, đã thi công rất nhiều dự án lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng... trên toàn cầu.
CHEC thường tham gia những công trình hạ tầng được Chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi. Trong đó, năm 2013, CHEC đã nhận thầu trị giá 680 triệu USD xây dựng sân bay Khartoum từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung Quốc qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EIBC).
Hoa Lư gồm các công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam như Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An, Unicons, Delta, Coteccons. Công ty nước ngoài duy nhất trong liên danh này là Powerline Engineering Public Company Limited (PLE) - nhà thầu đến từ Thái Lan. Công ty này từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan - sân bay lớn nhất Thái Lan hiện nay.
Với Vietur, đơn vị đứng đầu là IC ISTAS (được thành lập năm 1969), trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới thiệu, IC ISTAS nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới như sân bay quốc tế St. Petersburg Pulkovo (quy mô 20 triệu hành khách năm); đầu tư sân bay Antalya theo hình thức BOT và PPP; thi công giai đoạn 1 sân bay King Khaled (thủ đô Riyadh, Saudi Arabia).
Liên danh Vietur còn có hiện diện một số doanh nghiệp trong nước như Ricons, Newtecons và SOL E&C và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex...
Theo ACV, các đơn vị chuyên môn của ACV sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn để đánh giá các doanh nghiệp trong liên danh về kinh nghiệm, thiết bị máy móc, nhân sự và đặc biệt là về tiềm lực tài chính. Việc chọn được nhà thầu thi công hạng mục nhà ga hành khách sân bay Long Thành sẽ là bước đi quan trọng, gỡ được nút thắt tiến độ lớn nhất của dự án là chưa tìm được nhà thầu đủ năng lực thực hiện gói thầu quan trọng nhất.
Trước đó, tháng 9/2022, ACV tổ chức đấu thầu lần 1 gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách dự án thành phần 3 sân bay Long Thành (giai đoạn 1).
Tuy nhiên, chỉ có 1 liên danh dự thầu (liên danh Công ty Coteccons - Hòa Bình - Vinaconex - Central - Phục Hưng Holdings - REE - HAWEE). ACV đã phải hủy thầu gói 5.10 và mời thầu lần 2. Lần mở thầu này cũng phải gia hạn 2 lần, lần thứ nhất từ 28/3 - 28/4 và lần thứ hai lùi tới 12/6.
Lần mở thầu thứ 2 đã nhận 3 hồ sơ thầu có sự tham gia liên kết giữa nhà thầu nước ngoài nhiều kinh nghiệm thi công sân bay và các công ty xây dựng trong nước có tên tuổi.