Khiếu nại, tố cáo gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ bằng 15% kỳ trước
(Dân trí) - Thống kê ít ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử, có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội, 112 đơn với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
12 đơn tố cáo ứng viên đại biểu Quốc hội
Báo cáo công tác chuẩn bị bầu cử tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến 17h ngày 14/5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiếp nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại tố cáo, phản ánh về công tác bầu cử và ứng viên ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp.
Qua phân loại, có 12 đơn tố cáo phản ảnh người ứng cử ĐBQH; 112 đơn tố cáo phản ảnh người ứng cử đại biểu HĐND các cấp; 30 đơn phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, cư trú; 6 đơn không liên quan bầu cử.
Trong 12 đơn tố cáo, phản ảnh về người ứng cử ĐBQH có 11 đơn Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhận trước ngày 12/5 và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, báo cáo và còn 1 đơn. Tiểu ban đã chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết 69 đơn, xếp lưu 95 đơn; trong đó 62 đơn trùng, 33 đơn không rõ nội dung, không liên quan đến bầu cử.
Đến nay, Tiểu ban đã nhận được 14 văn bản trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền liên quan đến người ứng cử và công tác bầu cử, trong đó có 5 văn bản trả lời về 5 người ứng cử ĐBQH.
Kết quả xác minh, giải quyết đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời đúng quy định. Một số đơn phản ánh liên quan đến quá trình bổ nhiệm, tuyển dụng, hồ sơ cán bộ, uy tín... đều đã được các cấp có thẩm quyền xem xét. Do vậy, các ứng viên đều đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử theo quy định.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, số vụ việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là các đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều. Số lượng đơn thư gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ bằng 15% so với kỳ bầu cử trước (kỳ trước 642 đơn thư).
Về công tác giám sát kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử, ông Cường cho hay, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập 23 đoàn làm việc tại 53 tỉnh thành để giám sát, kiểm tra. Các địa phương cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đảm bảo đúng quy định.
Bổ sung 100 tỷ đồng kinh phí bầu cử
Về tình hình kinh phí cho công tác bầu cử, ông Cường thông tin, Tổng mức kinh phí bầu cử toàn quốc là 1.500 tỷ đồng, trong đó kinh phí phân bổ (đợt 1 và đợt 2) cho các địa phương là 1.431 tỷ đồng và 671 tỷ đồng; cho các bộ, cơ quan TƯ là 37,850 tỷ đồng; dự phòng là 30,479 tỷ đồng.
"Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện phân bổ kinh phí (đợt 1 và đợt 2) cho các bộ, cơ quan, TƯ và các địa phương theo số kinh phí được Thủ tướng quyết định là 1.469,521 tỷ đồng" - ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, qua kết quả kiểm tra, giám sát bầu cử, một số tỉnh miền núi, có biển đảo xa xôi hoặc gặp nhiều khó khăn do hạn hán, tác động tiêu cực của thiên tai, hoặc đang phải đối phó dịch bệnh Covid-19 đã kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét cấp bổ sung kinh phí bầu cử.
Bên cạnh đó, do nhiều địa phương có phát sinh tăng/giảm số lượng tổ chức phụ trách bầu cử và số lượng cử tri, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổng hợp nhu cầu bổ sung kinh phí của các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương và đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị bổ sung kinh phí, nhất là cho các địa phương có số lượng thực tế cử tri và các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập tăng so với số tạm tính.
Ông Cường thông tin, dự kiến số kinh phí cần bổ sung là 101,441 tỷ đồng, lớn hơn số kinh dự phòng hiện nay là 30,479 tỷ đồng. Do đó, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xem xét để đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với số kinh phí vượt so với tổng số đã được quyết định (70,962 tỷ đồng).