Giữ gìn tư cách và phẩm giá "đại biểu của dân"
"Đại biểu của dân" - đó không chỉ là một danh xưng mà còn là tư cách, là phẩm giá của mỗi người khi được cử tri lựa chọn và trao gửi niềm tin.
Là người có số phiếu hợp lệ cao nhất trong 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV tại Đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Bình Dương, nhưng ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đã không có tên trong danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố chiều 10.6. Lý do không được công nhận trúng cử theo Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Thanh là bởi ông Nam không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội Khóa XV. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thông qua một Nghị quyết riêng về vấn đề này với sự tán thành của 100% thành viên.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả bầu cử, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Nhân sự khẳng định, Hội đồng Bầu cử quốc gia không nhận được đơn xin thôi không làm đại biểu Quốc hội Khóa XV vì "lý do sức khỏe" như ông Nam trao đổi với báo chí trước đó. Thậm chí "nếu có nhận được đơn thì đó cũng không phải là một trong những lý do để Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét". Bởi đến thời điểm này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về vi phạm của ông Nam trong việc thực hiện Quy định 47 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và vi phạm pháp luật, nhất là trong quản lý đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng từ thời làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Đây là căn cứ cụ thể, rõ ràng để Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, đối chiếu để quyết định không xác nhận tư cách người trúng cử đối với ông Nam.
Ông Trần Văn Nam có lẽ là trường hợp đầu tiên dù có tỷ lệ phiếu hợp lệ cao nhất tại Đơn vị bầu cử nhưng lại không được công nhận trúng cử. Gần nhất, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã quyết định không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh do có vi phạm pháp luật, không bảo đảm tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội Khóa XIV - nhưng khi đó, cả hai ông bà này đều đã có tên trong danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV.
Nhìn lại như vậy để thấy rằng, việc không xác nhận tư cách người trúng cử của ông Trần Văn Nam trước khi công bố danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV cho thấy sự nhất quán, nghiêm túc, trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử quốc gia từ khi chuẩn bị cho đến khi có kết quả bầu cử vẫn tiếp tục rà soát, xem xét đối với những người không đủ tiêu chuẩn. "Điều đó cũng thể hiện tinh thần nếu có bầu thiếu thì còn hơn là bầu sai, kiên quyết không để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào Quốc hội", Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định.
Công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, kiên quyết không để lọt vào Quốc hội, HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Đây là nguyên tắc được Bộ Chính trị nhấn mạnh tại Chỉ thị số 45 về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử và đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia quán triệt, thực hiện nghiêm trong từng bước triển khai công tác bầu cử, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử cho đến công tác hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đến việc tổ chức vận động bầu cử, bỏ phiếu, kiểm phiếu.
Trong hơn 45 vạn ứng cử viên ở cả 4 cấp, cử tri cả nước đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nào phải bầu lại, bầu thêm; số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan về bầu cử chỉ bằng 18% so với cuộc bầu cử trước đó và hầu như chỉ xảy ra ở cấp xã do công tác quản lý đất đai, môi trường… Những con số này, tự nó đã khẳng định sự nghiêm túc, trách nhiệm và kiên quyết đến cùng của Hội đồng Bầu cử quốc gia, của Ủy ban Bầu cử các cấp trong việc bảo đảm những người đại diện cho Nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước phải thực sự xứng đáng.
Không có vùng cấm, càng không có bất kỳ sự cấn cá nào trong việc xem xét, xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội và tư cách đại biểu Quốc hội. Ngay tại phiên họp thứ bảy vừa qua của Hội đồng Bầu cử quốc gia, sau khi thông qua Nghị quyết công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng các vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ vẫn nhấn mạnh yêu cầu Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo và các cơ quan hữu quan phải tiếp tục "tập trung cao độ" cho việc rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến người trúng cử để tham mưu, phục vụ Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ Tám dự kiến diễn ra vào ngày 12.7 tới. Thậm chí, ngay cả khi Hội đồng Bầu cử quốc gia đã hoàn thành nhiệm vụ theo luật định, 499 người trúng cử đã được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội để chính thức thực hiện nhiệm vụ của người đại diện cho Nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao thì bất kỳ đại biểu nào cũng sẽ bị Quốc hội xem xét, bãi nhiệm nếu có vi phạm pháp luật hoặc không còn xứng đáng là đại biểu Quốc hội. Với đại biểu HĐND các cấp cũng tương tự như vậy.
"Đại biểu của dân" - đó không chỉ là một danh xưng mà còn là tư cách, là phẩm giá của mỗi người khi được cử tri lựa chọn và trao gửi niềm tin. Vì thế, mỗi "đại biểu của dân" phải giữ gìn "tư cách đại biểu của dân" như giữ gìn "con ngươi của mắt mình".