1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh Hòa:

"Khi vươn khơi, cờ tổ quốc tung bay là khẳng định vùng biển chủ quyền"

(Dân trí) - Trưa nay (13/5), hàng chục tàu cá của ngư dân Khánh Hòa đã cập cảng cá Hòn Rớ, Vĩnh Lương (TP Nha Trang) để lấy đá lạnh, dầu Diesel… chuẩn bị xuất bến ra vùng biển Hoàng sa, Trường sa, Nhà giàn DK1 để đánh bắt cá, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo.

Khi vươn khơi, cờ tổ quốc tung bay là khẳng định vùng biển chủ quyền
Tàu cá của ngư dân Nha Trang trang bị nguyên, nhiên liệu tại cảng cá Hòn Rớ để vươn khơi ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt, trưa 13/5.

Ngư dân nhộn nhịp vươn khơi

Theo ghi nhận của PV Dân trí, trưa 13/5, do một lượng lớn tàu thuyền cập cảng Hòn Rớ (xã Phước Đồng, Nha Trang) để lấy đá lạnh, xăng dâu (bốc phí tổn) nên cảng cá nhộn nhịp hơn hẳn. Các tàu cập cảng lần này chủ yếu hành nghề lưới cản (lưới rê), giã cào, lưới vét… đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK1.

Bên cạnh đó, các nhà máy đá lạnh và các tàu kinh doanh dầu Diesel tại cảng cá Hòn Rớ cũng hoạt động hết công suất, huy động nhân công làm việc với cường độ cao để công việc được thực hiện đúng tiến độ, nhằm đảm bảo cho ngư dân có thể xuất bến đúng kế hoạch.
Khi vươn khơi, cờ tổ quốc tung bay là khẳng định vùng biển chủ quyền
Đá lạnh dùng để bảo quản hải sản được chất đầy khoan để ra khơi. Sự hiện diện của tàu cá ngư dân góp phần khẳng định, giữ vững chủ quyền biển đảo.

Đây là chuyến vươn khơi đánh bắt sớm nhất của ngư dân Nha Trang trong tháng 5 này kể từ sau rằm. Quan sát vẻ mặt của những ngư phủ, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự quyết tâm bám biển, giữ vững ngư trường trong hoàn cảnh Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo, thường xuyên xua đuổi trái phép, quấy rối ngư dân.

Chia sẻ với phóng viên, ngư dân Huỳnh Ngọc Tuân (phường Vĩnh Phước, Nha Trang), thuyền trưởng tàu cá KH-96796-TS cho biết: “Chuyến biển này tàu cá chúng tôi lấy 750 cây đá lạnh, hàng nghìn lít dầu để ra khu vực quần đảo Trường Sa và giàn khoan DK1 đánh bắt. Tàu chúng tôi có công suất 525CV, gồm 11 lao động và dự kiến chuyến biển này kéo dài khoảng 20 ngày”.

Khi được hỏi về thái độ của ngư dân trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và có những hành động ngang ngược đối với lực lượng bảo vệ bờ biển của ta, anh Tuân bức xúc: “Chúng ta cần phản đối đến cùng để Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam chứ nếu để họ lấn chiếm như vậy thì ngư trường chúng ta sẽ bị thu hẹp, ngư dân chúng tôi rất khó hành nghề”.

Ngư dân Khánh Hòa chỉnh trang lại ngư cụ trước khi vươn khơi.
Ngư dân Khánh Hòa chỉnh trang lại ngư cụ trước khi vươn khơi.

Cạnh đó, ngư dân Phạm Tấn Phùng (xã Phước Đồng, Nha Trang), thuyền trưởng tàu cá KH-95536-TS đang cùng với các thuyền viên hối hả bốc đá lạnh cho vào khoang và chỉnh trang lại ngư cụ trước khi xuất bến. Tại tàu cá của anh Phùng, PV Dân trí cũng ghi nhận 2 phụ nữ đang vá lưới (lưới rê) với động tác hết sức khẩn trương để cho tàu cá vươn khơi đúng tiến độ.

Ngư dân Phùng chia sẻ tàu cá anh là một trong những tàu cá ghé cảng Hòn Rớ lấy phí tổn sớm so với các tàu cá khác ở Nha Trang. Chuyến biển này anh cho biết, tàu ra khơi với 9 lao động, bốc 400 cây đá lạnh và 2.500 lít dầu. “Theo kế hoạch, ngày mai tàu cá chúng tôi sẽ xuất bến ra ngư trường Hoàng Sa và sẽ đánh bắt trên biển 15 - 20 ngày trước khi trở về bờ”, ngư dân Phùng nói.

Cùng thời điểm này, hàng chục tàu cá khác tại cảng cá Vĩnh Lương và Hòn Rớ cũng đã bốc phí tổn, chuẩn bị ra khơi đánh bắt bất chấp Trung Quốc ngang ngược và vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Các tàu cá đều đã chỉnh trang lại cờ Tổ quốc trước khi ra khơi.
Các tàu cá đều đã chỉnh trang lại cờ Tổ quốc trước khi ra khơi.

Cờ Tổ quốc tung bay trên vùng biển chủ quyền

Để đề phòng trường hợp có thể gặp rủi ro hoặc bị tàu Trung Quốc xua đuổi trên biển, nhiều ngư dân Khánh Hòa đã không ra khơi lẻ tẻ như trước mà đi từng đoàn, từng tốp nhỏ từ 7 đến 8 chiếc.

“Việc đi từng tốp như vậy để đánh bắt là nhằm hỗ trợ cho nhau khi gặp sự cố trên biển như máy móc bị hư hỏng hoặc bảo vệ cho nhau khi bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Đi nhiều tàu thì cũng dễ tìm được ngư trường nhiều cá và thông báo cho nhau”, như dân Huỳnh Ngọc Tuân chia sẻ.

Trên cabin các tàu cá, một điều rất đặc biệt là rất nhiều ngư dân dường như ý thức được vấn đề thời sự nóng bỏng về chủ quyền biển đảo, họ đã tháo bỏ những lá cờ Tổ quốc đã cũ và thay vào đó là các lá cờ Tổ quốc mới tinh, đỏ thắm, tung bay phấp phới.

Bất chấp trời trưa nắng, ngư dân Trần Ngọc Diều, thuyền trưởng tàu cá KH-04528-TS đã cùng với một ngư dân khác đang chuẩn bị thay lá cờ mới trước khi xuất bến. “Khi vươn khơi thì cờ Tổ quốc luôn tung bay để khẳng định đây là ngư trường, là vùng biển của mình”, ngư dân Diều khẳng định.

Các ngư dân khẳng định vươn khơi để giữ vững chủ quyền biển đảo.
Các ngư dân khẳng định vươn khơi để giữ vững chủ quyền biển đảo.

Nói về hành động phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam những ngày qua, ngư dân Diều bộc bạch: “Ngư dân chúng tôi thực sự bức xúc trước hành động tàu Trung Quốc đâm va vào các tàu của kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam. Chúng tôi muốn gửi lời động viên đến lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi luôn theo dõi tin tức từ các anh và ủng hộ lực lượng kiểm ngư Việt Nam”, ngư dân Diều nói.

Viết Hảo