Khi sửa Luật Báo chí sẽ dành một mục quy định về kinh tế báo chí

Hoa Lê

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi sửa Luật Báo chí cũng dành một mục quy định về kinh tế báo chí.

Tại phiên chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông sáng 12/11, nâng cao vai trò của báo chí chính thống là một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm.

Báo chí quay về với giá trị cốt lõi

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời điểm mạng xã hội mới ra đời đã "lấy mất nghề" của báo chí. Bởi nhiều năm qua, mạng xã hội còn đưa tin nhanh hơn báo chí.

Để báo chí giữ vững trận địa, Bộ trưởng nhấn mạnh cơ quan này phải làm khác biệt mạng xã hội. Báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi của mình như đưa tin xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, kể câu chuyện, báo chí cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp.

Bên cạnh đó, trên không gian mạng, Bộ trưởng yêu cầu báo chí phải định hướng được dòng chảy chính, nâng cao chất lượng về nội dung.

Khi sửa Luật Báo chí sẽ dành một mục quy định về kinh tế báo chí - 1

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: Phạm Thắng).

Như vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo đã có định hướng giúp báo chí khẳng định lại vị trí, vai trò của mình.

Theo ông Hùng, cơ quan báo chí cũng cần sử dụng mạng xã hội để làm báo, tăng tương tác 2 chiều. Đặc biệt, cơ quan này cần coi mạng xã hội trở thành một công cụ, một môi trường để xuất hiện.

Bộ trưởng tái khẳng định trên đây là những định hướng mới đối với báo chí để giữ trận địa không chỉ trong thế giới thực mà còn cả trên không gian mạng.

Đề xuất cơ chế đặc thù cho báo chí

Cũng xoay quanh vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) chất vấn, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí, thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại, trước đây, doanh nghiệp quảng cáo để bán hàng sẽ chủ yếu lựa chọn báo chí.

Thời điểm còn ít cơ quan báo chí, Bộ trưởng nói về việc nhiều cơ quan báo chí mong muốn được tự chủ để có cơ chế thông thoáng hơn. 

Song thời điểm mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến và 60% quảng cáo trực tuyến, trực tiếp rơi vào loại hình này. Trong khi nhiều cơ quan báo chí ra đời rất nhiều (880 cơ quan báo chí) mà nguồn thu giảm sút cũng đặt ra bài toán với đơn vị làm quản lý.

Khi sửa Luật Báo chí sẽ dành một mục quy định về kinh tế báo chí - 2

Đại biểu Tạ Thị Yên (Ảnh: Phạm Thắng).

Về giải pháp, Bộ trưởng nhắc đến Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách đã yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là "việc của mình".

Bên cạnh kế hoạch đưa thông tin, các bộ, ngành, địa phương cũng cần bố trí ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và đặt hàng báo chí.

Cùng với việc bố trí ngân sách địa phương cho cơ quan báo chí truyền thông, ông Hùng cho hay, khi sửa Luật Báo chí cũng dành một mục quy định về kinh tế báo chí. Đặc biệt, quy định này cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, lĩnh vực truyền thông. Đây là mô hình được học hỏi từ Trung Quốc.

Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có một nội dung rất quan trọng được đề cập là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông.

Trở lại việc sửa đổi Luật Báo chí sắp tới trình Quốc hội, Bộ trưởng cũng rất mong Quốc hội ủng hộ giao cho Chính phủ xây dựng một cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho cơ quan báo chí chủ lực.

Bộ trưởng thông tin, hiện nay, 30% chi tiêu của cơ quan báo chí từ ngân sách, 70% còn lại do cơ quan này tự bươn chải. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhưng lại dựa hoàn toàn vào thị trường. Ngược lại, cũng có cơ quan báo chí dựa toàn bộ vào tiền nhà nước, không bám rễ vào thị trường, ít độc giả.

Bộ trưởng đề nghị sửa quy định có cơ quan báo chí hưởng 10-30% ngân sách và những cơ quan đang được 90-100% ngân sách sẽ giảm xuống 70%.

"Tôi nghĩ cần đi bằng 2 chân, từ câu chuyện từ đặt hàng của nhà nước đến câu chuyện chúng ta phải bám chặt chân vào thị trường độc giả. Khi chúng ta đi đều chân thì sẽ giữ được báo chí cách mạng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Có nên hợp tác với mạng xã hội?

Liên quan đến ý kiến thay vì cạnh tranh, báo chí nên hợp tác với mạng xã hội, Bộ trưởng cho biết, tất cả các cơ quan báo chí đều có trang mạng xã hội của mình.

Sắp tới sửa Luật Báo chí, Bộ trưởng cho rằng có thể đang xem xét và sẽ trình Quốc hội nghiên cứu cho phép nội dung xuất hiện trên mạng xã hội của cơ quan báo chí trước khi lên mặt báo.

Ông Hùng nêu ví dụ chương trình thời sự của VTV1 diễn ra lúc 19h, còn trong ngày đó đã có rất nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Vì vậy, có nên truyền thông trên các phương tiện khác trước hay không?

Cùng với đó, Nghị định 147 mới ban hành có một quy định các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với các cơ quan báo chí.

"Sắp tới sửa Luật Báo chí, tôi nghĩ nên coi mạng xã hội là một đối tượng hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh. Đây là một hướng đi cũng rất tốt", ông Hùng cho hay.