Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về "con sâu làm rầu nồi canh" trong nghề báo
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu với Quốc hội, bên cạnh ông có một trợ lý ảo, bất kỳ câu trả lời nào của Bộ trưởng cũng có một câu trả lời của trợ lý ảo.
Sáng 12/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về một số vấn đề của ngành thông tin và truyền thông (TT-TT).
Định mức kỹ thuật mới sẽ thông thoáng, đơn giản hơn
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, nhiều cơ quan báo chí đã đảm bảo tự chủ một phần chi thường xuyên, tuy nhiên kinh tế báo chí vẫn là thách thức với sự phát triển.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với cơ quan báo chí hiện nay đã và đang triển khai như thế nào, có gặp khó khăn gì không? Có bao nhiêu cơ quan báo chí thực hiện được nội dung này?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến TT-TT đã ban hành được khoảng 80%, phấn đấu đến cuối năm hoặc quý II năm sau sẽ hoàn thành 100%.
Theo ông Hùng, một số quy định trước đây rất khó, trong đó giao cho cơ quan chủ quản dựa trên hướng dẫn của bộ để ban hành định mức, nhưng nhiều cơ quan chủ quản không đủ năng lực ban hành.
Bộ trưởng cho biết, các định mức kỹ thuật mới đang được làm rất thông thoáng để thẩm định, phê duyệt đơn giản hơn nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu với Quốc hội, bên cạnh ông có một trợ lý ảo, bất kỳ câu trả lời nào của Bộ trưởng cũng có một câu trả lời của trợ lý ảo.
"Cuối phiên chất vấn, rất mong muốn được gửi tới đại biểu Quốc hội đánh giá xem Bộ trưởng và trợ lý ảo ai trả lời tốt hơn. Tôi đoán là trợ lý ảo trả lời tốt hơn", ông Hùng nói.
Về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, ông Hùng cũng cho hay, thông tin từ trợ lý ảo thì đến nay, mới chỉ có năm bộ, ngành và ba cơ quan báo chí giải quyết được vấn đề này. Con số này là quá ít.
Nghề báo rất đặc biệt nên tiêu chuẩn cũng đặc biệt
Phát biểu chất vấn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ TT-TT trả lời nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, có dấu hiệu trục lợi?
Trả lời vấn đề này, ông Hùng cho biết, năm 2023 và 2024, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt.
"Người trong nghề rất đau lòng", ông Hùng nói và cho rằng so với 21.000 người làm báo có thẻ và gần 42.000 người làm báo thì đây chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh".
Ông Hùng nhấn mạnh, 80% người bị bắt là từ những tạp chí nhỏ, tạp chí của các hội, xã hội nghề nghiệp. Cơ quan chủ quản buông lỏng đối với cơ quan báo chí của mình, tổng biên tập buông lỏng quản lý đối với phóng viên.
Bộ TT-TT đã công bố tiêu chí nhận dạng báo hóa tạp chí, đăng công khai để toàn xã hội giám sát. Cùng với đó, công khai tôn chỉ mục đích của hơn 800 cơ quan báo chí để bất kỳ ai, bất kỳ địa phương, doanh nghiệp nào cũng có thể vào tra cứu, để khi phóng viên đến liên hệ thì xem có đúng tôn chỉ mục đích hay không để phản ánh…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, cơ quan chức năng vừa có một số quy định mới, nếu phóng viên bị bắt thì sẽ xem xét xử lý trực tiếp trách nhiệm tổng biên tập cơ quan báo chí đó. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
"Nghề báo rất đặc biệt, tiếng nói, câu chữ của nhà báo tác động trực tiếp hoặc lan tỏa đến hàng triệu người. Vì vậy, các tiêu chuẩn cũng rất đặc biệt. Luật Báo chí sửa đổi sắp tới sẽ đề xuất nâng tiêu chuẩn phóng viên", ông Hùng nói.