1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam:

Khi người Mỹ đã cam kết, họ sẽ thực hiện

(Dân trí) - Người Mỹ rất thực tế, có lợi thì sẽ làm, sẽ đến thăm. Một khi đã cam kết thì chắc chắn điều đó phải phù hợp với lợi ích của họ và họ sẽ thực hiện. Đối với chuyến thăm của ông Obama, chúng ta nên nhìn vào các cam kết đạt được hơn là nhìn vào thời điểm chuyến thăm. Dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì những chính sách họ thực hiện đều phải phục vụ lợi ích của nước Mỹ.

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng và Tiến sỹ Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học Viện Ngoại giao về ý nghĩa chuyến thăm và tác động của chuyến thăm đối với quan hệ Việt-Mỹ.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama tới Việt Nam có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại của quan hệ 2 nước? Theo ông, hai nước có thể mong đợi gì ở chuyến thăm này?

Nguyên Đại sứ Lê Công Phụng: Đây là chuyến thăm rất quan trọng, khẳng định thỏa thuận cấp cao mà hai bên đã đạt được sau 20 năm bình thường hóa và trao đổi các phương hướng hợp tác trong tương lai. Điều này cũng khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam, để đóng góp vào củng cố hòa bình an ninh khu vực.

Về phía ta, chuyến thăm đáp ứng mong mỏi của đại bộ phận nhân dân Việt Nam, giải tỏa tâm lý của bộ phận công chúng cho rằng, Việt Nam còn ngần ngại trong quan hệ với Mỹ.

Tôi cho rằng, sau chuyến thăm này, quan hệ hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên có điều, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh phức tạp ở khu vực và thế giới, nên có thể một số nước sẽ không hài lòng, không ủng hộ chuyến thăm này.

Chúng ta phải kiên trì lập trường nhất quán, không đi với nước này chống nước kia, mà nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương để đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

TS. Trần Việt Thái: Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama phản ánh cả quá khứ, hiện tại và tương lai của quan hệ Việt – Mỹ. Quá khứ là phát huy những thành quả to lớn mà hai nước đã nỗ lực đạt được trong 20 năm qua sau khi bình thường hóa quan hệ. Hiện tại là duy trì đà quan hệ Việt – Mỹ và tạo dấu ấn trước khi ông Obama kết thúc nhiệm kỳ. Tương lai là hướng tới thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ đi vào chiều sâu, cùng có lợi, đồng thời tạo bệ phóng cho nhiệm kỳ tổng thống mới của Mỹ.

Chuyến thăm cũng cho thấy Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ vì tăng cường quan hệ đối tác Việt – Mỹ là thành tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Nếu chúng ta tận dụng tốt những cam kết từ phía Mỹ, những cơ hội của chuyến thăm sẽ giúp đưa quan hệ Việt – Mỹ đi vào hiệu quả, thực chất, rất có lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong bối cảnh mới.

Dự kiến trong chuyến công du của ông Obama lần này, hai bên sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, hợp tác giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết các vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh cũng như hợp tác về an ninh - quốc phòng để cùng đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Hai bên sẽ trao đổi về tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông và thảo luận trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt về các vấn đề nhạy cảm như dân chủ nhân quyền… Tôi kỳ vọng ở ba lĩnh vực quan trọng là xây dựng lòng tin, hợp tác về an ninh - quốc phòng và xử lý các vấn đề do chiến tranh để lại.

Tiến sỹ Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao
Tiến sỹ Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao

Liệu tiền đề mà Tổng thống Obama đặt ra trong chính sách đối ngoại với Việt Nam nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung có bị ảnh hưởng khi Mỹ có chính quyền mới vào năm 2017, thưa ông? Có ý kiến cho rằng, Tổng thống Obama đến Việt Nam lúc này có phần hơi muộn khi chỉ còn vài tháng nữa là ông rời nhiệm sở?

Nguyên Đại sứ Lê Công Phụng: Khi còn làm Đại sứ tại Mỹ (2008-2011), tôi đã từng nhiều lần đề nghị Chính phủ Mỹ thu xếp chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam. Từ cuối năm ngoái đã có thông tin về chuyến thăm này, nhưng vì một số lý do nào đó, đến giờ ông Obama mới có thể sang được. Với tư cách là một nước siêu cường, Mỹ phải cân nhắc về tác động đến quan hệ với các đối tác cũng như phản ứng của các nước trong khu vực và cả nội bộ Mỹ khi tổ chức chuyến công du của Tổng thống.

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt – Mỹ luôn đi theo hướng tiệm tiến, hiểu biết sâu sắc hơn, khác biệt dần được thu hẹp. Tổng thống Clinton quyết định hủy bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam rồi ký Hiệp định thương mại song phương. Đến thời Tổng thống Bush vẫn tiếp tục định hướng ấy. Năm 2008, sau khi nhậm chức, ông Obama thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Việt – Mỹ.

Vì vậy có thể khẳng định, dù Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ thì những chính sách họ thực hiện cũng cũng chỉ vì lợi ích nước Mỹ.

Tôi còn nhớ, năm 2008 khi Tổng thống Bush sắp kết thúc nhiệm kỳ, trước bầu cử 4- 5 tháng, chúng ta cũng bàn chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Mỹ. Khi đó, có ý kiến cho rằng, vì ông Bush sắp nghỉ thì ta sang thăm làm gì? Khi đó, Đại sứ quán kiến nghị rất quyết liệt với các cơ quan hữu quan trong nước rằng, đây là thời điểm khởi đầu cho phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt – Mỹ khi Mỹ bắt đầu xoay trục vào khu vực nên chúng ta nên tổ chức chuyến thăm này. Cuối cùng Thủ tướng đi và chuyến công du được đánh giá rất thành công.

TS. Trần Việt Thái: Chính sách đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào đều có sự nhất quán và không thể thay đổi trong một sớm một chiều được. Mỹ là siêu cường toàn cầu nên họ càng phải nhất quán, minh bạch. Tất nhiên, sẽ có thể có sự khác biệt trong cách triển khai thực hiện do yếu tố cá nhân của mỗi vị Tổng thống, nhưng đường lối và những lợi ích chủ yếu của Mỹ là xuyên suốt và nhất quán. Ví dụ, hiệp định TPP được ký giữa Chính phủ Mỹ và 12 nước thành viên là những nỗ lực to lớn của chính quyền Obama, nên trong tương lai, dù là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump lên nắm chính quyền, thì đều sẽ phải kế thừa.

Còn về vấn đề thời điểm của chuyến thăm, tôi có hai ý thế này. Một là, dù ở cuối nhiệm kỳ nhưng ông Obama vẫn là Tổng thống Mỹ. Hơn nữa, người Mỹ rất thực dụng, có lợi thì sẽ làm, sẽ đến thăm. Một khi đã cam kết thì chắc chắn điều đó phải phù hợp với lợi ích của họ và họ sẽ thực hiện. Do vậy, tôi cho rằng nên nhìn vào các cam kết đạt được trong chuyến thăm hơn là nhìn vào thời điểm của chuyến thăm. Hai là, để có được chuyến thăm này, hai bên đã phải chuẩn bị từ rất sớm và rất chu đáo. Hơn nữa, thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ là chính sách chung xuyên suốt và rất có lợi cho Mỹ, do vậy tôi tin rằng dù là Dân chủ hay Cộng hòa nắm chính quyền thì họ sẽ đều tiếp tục đường lối như hiện nay. Tôi tin chuyến thăm sẽ thành công ở mức cao vì đây là vốn liếng chính trị lâu dài, là lợi ích to lớn của cả hai phía.

(Còn nữa)

Nam Hằng (Thực hiện)