1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khi người bị “hôi” bia trở thành tiêu biểu

Bạn nghĩ sao khi anh tài xế trong vụ “hôi” bia trở thành công dân tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai? Rất khó mô tả cảm xúc? Không định danh được chính xác điều muốn nói?

 

Gia đình anh Hồ Kim Hậu đang sống trong nhà trọ

Gia đình anh Hồ Kim Hậu đang sống trong nhà trọ

 

Nhất là khi tiêu chí của “công dân tiêu biểu” là nhân vật đó, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn quan dân, nam phụ lão ấu, “phải là nhân vật tích cực, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho địa phương và cho quốc gia”.

 

Điều đó là dễ hiểu thôi khi vụ “hôi bia” chưa hề phôi pha trong tâm trí chúng ta như một nỗi hổ thẹn. “Ở Việt Nam, cái gì rơi ra là mất” - chẳng phải là khi những hình ảnh xấu xí đó xuất hiện trên một đài truyền hình nước ngoài, người ta đã đưa ra một lời bình chẳng khác gì sự sỉ nhục đó sao.

 

Nhưng những người dân Đồng Nai cũng có lý khi tự nhìn lại mình, vẫn thấy còn có thứ để đáng lạc quan về lòng tốt của con người. Chẳng phải sau vụ “hôi bia” đáng xấu hổ, đã có người giăng lên ở đó một tấm băngrôn về nỗi xấu hổ. Chẳng phải sau vụ hôi bia, không ít những người dưng - mà chắc chắn trong đó có cả những người Đồng Nai - đã lặng thầm gửi tới anh tài xế khốn khổ những đồng tiền như một cách thức hối lỗi thay cho đồng bào mình.

 

Xã hội có quá nhiều nhiễu nhương, khiến mỗi ngày chúng ta phải vắt tay lên trán để tự hỏi “Có cái gì đó đang xảy ra?”; hoặc thậm chí “Chúng ta đang làm gì và sống vì điều gì trên trái đất này?”.

 

Vậy thì, hãy cứ vào nụ cười của anh tài xế là thanh thản, là thành thực khi anh trả lại 230 triệu đồng cho những người đã hoặc công khai hoặc thầm lặng giúp mình, thay vì bảo là bị ép trả, hoặc tệ hơn “hôi” luôn lòng tốt của người khác.

 

Những con người “chân đất”, những điều đẹp đẽ bình dị của cuộc sống đang quá thiếu vắng trong những cuộc bầu chọn, vinh danh vào mỗi cuối năm; dù ngoài thực tế, sự tốt đẹp hoàn toàn không ít hơn những điều xấu xa.

 

Hãy cứ lạc quan rằng bên một sự xấu xa lại có một điều đẹp đẽ, mà chỉ riêng việc nhìn thấy một hành vi đẹp đẽ của một người bình dân để vinh danh cũng là một cái đẹp của cuộc bầu chọn.

 

Đồng Nai cũng không tự trào.

 

Nói như nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward “Người bi quan phàn nàn về cơn gió; người lạc quan chờ đợi nó đổi chiều; người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm”. Hãy cứ tin rằng người Đồng Nai đang tin vào những điều tốt đẹp, để ít nhất quên đi những điều đáng xấu hổ.

 

Theo Đào Tuấn
 Lao Động