1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khất câu trả lời mang tính kỹ thuật dự án bô xít

(Dân trí) - Trước các câu hỏi liên quan đến an toàn của dự án khai thác bô xít Tây Nguyên từ đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã xin “khất” câu trả lời. Về hiệu quả kinh tế, ông Hoàng cho rằng, có hiệu quả cho cả đời dự án.

Khất câu trả lời mang tính kỹ thuật dự án bô xít - 1
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thủy điện gây thiệt hại thì phải hỗ trợ dân
 

Kiên quyết xử lý thủy điện làm tăng lũ

Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, văn bản trả lời của Bộ trưởng nói các hồ thuỷ điện vô can, không làm tăng thêm lũ trong đợt lũ vừa qua ở miền Trung, nhưng không đưa ra các số liệu cụ thể về lượng nước các hồ thuỷ điện xả ra. Trong khi đó, các số liệu thống kê từ chính quyền địa phương đã cho thấy, việc xả lũ của các nhà máy thuỷ điện đã làm lũ lớn càng lớn hơn. “Ngành điện và các nhà đầu tư có trách nhiệm gì?”, bà Hương truy.

Đáp lại, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, ông chưa từng nói không có sự liên quan của thuỷ điện nhỏ với lũ lụt vừa qua.

Ông Hoàng cho biết, Bộ Công thương đã chỉ đạo xem xét, nếu đúng có việc các công trình xả nước không phù hợp làm lũ nặng hơn gây thiệt hại cho dân sẽ kiên quyết xử lý. Thêm nữa, tới đây, các công trình thuỷ điện nhỏ không phù hợp quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường, thoát lũ, Bộ sẽ kiên quyết dừng. “Vừa qua đã thu hồi 39 dự án ở miền Trung và trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay chúng ta càng kiên quyết hơn”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Chưa thỏa mãn với trả lời này, đại biểu Hương tiếp tục dẫn ra văn bản của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng gửi đại biểu Quốc hội, không đề cập việc xả lũ làm tăng thêm lũ và nhấn thêm một lần nữa về việc hỗ trợ dân. Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Nam) cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ cơ chế hỗ trợ dân khi các hồ thủy điện xả lũ làm lũ nặng hơn.
 
Khất câu trả lời mang tính kỹ thuật dự án bô xít - 2
Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương: các hồ thủy điện không thể vô can trong đợt lũ vừa qua (Ảnh: Việt Hưng)
 
Bộ trưởng Hoàng khẳng định, người dân bị thiệt hại do lũ lụt rất cần hỗ trợ và nếu có lỗi của các nhà máy thủy điện nhỏ, lãnh đạo các nhà máy này phải có trách nhiệm. Theo ông Hoàng, sau khi người dân kiến nghị hỗ trợ, nhà máy thuỷ điện Hố Hô đã xem xét kiến nghị này. “Quan điểm của chúng tôi là gây thiệt hại thì phải hỗ trợ người dân”, ông Hoàng nhấn mạnh.
 
Cũng liên quan đến lĩnh vực điện, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) hỏi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có biết việc nhiều nhà máy điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, có công nghệ rất lạc hậu?

“Chưa có thông tin chính thức các nhà thầu này đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp lại. Ông Hoàng cho rằng, khi đấu thầu các nhà máy điện đều yêu cầu kỹ thuật trước và khi nhà thầu đáp ứng được mới xem xét giá cả.

Tuy thừa nhận một số nhà máy đã có một số sai sót về kỹ thuật, nhưng ông Hoàng cho rằng, đó là những thiết bị phụ, còn thiết bị chính ‘không vấn đề gì”.

“Bộ trưởng chưa thấy được các nhà thầu Trung Quốc đưa thiết bị lạc hậu vào không thì cần phải xem lại”, đại biểu Loan bức xúc. Theo đại biểu Loan, nếu tình trạng trên có nguyên nhân từ Luật Đấu thầu thì nên sửa luật này, để không còn tình trạng mua những cái chúng ta không muốn.

Được chủ tọa mời hỗ trợ Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, Võ Hồng Phúc thừa nhận, các dự án điện đều chậm tiến độ và về kỹ thuật cũng có vấn đề, khi đưa vào vận hành thường gặp trục trặc. Theo ông Phúc, việc chọn nhà thầu không hợp lý dẫn đến tình trạng trên là do năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư nên vấn đề không thuộc về Luật Đấu thầu.

"Khất" câu trả lời về kỹ thuật dự án bô xít
 
Chuyển sang vấn đề khai thác bô xít, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đặt vấn đề, khai thác bô xít và chế biến alumin thường có hiệu  quả ở những nơi thừa nước, thừa điện, trong khi ta lại làm ở nơi không hội đủ những yếu tố này?.
 
Khất câu trả lời mang tính kỹ thuật dự án bô xít - 3
Đại biểu Vũ Quang Hải "truy" vấn đề khai thác bô xít (Ảnh: Việt Hưng)

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp lại, việc quyết định địa điểm nhà máy alumin, Chính phủ cân nhắc kỹ và đã báo cáo Bộ Chính trị. Nếu thuần tuý về hiệu quả kinh tế, đặt nhà máy alumin ở gần biển, hiệu quả sẽ cao hơn, nhưng Chính phủ không chỉ xem xét hiệu quả kinh tế mà là hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội và tác động lan toả của dự án.

Theo ông Hoàng, do người dân phải hy sinh cho việc khai thác nên họ đáng được hưởng lợi ích dự án mang lại. Cân nhắc như vậy nên Chính phủ quyết định đặt nhà máy ở Tân Rai và Nhân Cơ.

Về vấn  đề nước cho luyện alumin, ông Hoàng khẳng định, các hồ nước tại đây đủ cung cấp cho 2 nhà máy và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Riêng về điện, dù đặt nhà máy ở Tây Nguyên hay ở ven biển, đó vẫn là vấn đề  khó khăn.
 
Bắt tiếp vào vấn đề khai thác bô xít, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đặt vấn đề, quá trình vận chuyển dung dịch độc hại có đảm bảo an toàn, làm thế nào để cô đọng bùn đỏ, chống thấm, đồng thời chất vấn, Bộ trưởng có tin dự án có hiệu quả kinh tế?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xin khất phần trả lời mang tính kỹ thuật. Về hiệu quả kinh tế của dự án bô- xít, tại dự án Nhân Cơ, ông Hoàng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương thẩm định, bộ này đã mời 18 vị khoa học đầu ngành tham gia vào quá trình thẩm định hiệu quả kinh tế của dự án.

Căn cứ vào các số liệu thẩm định, như thuế xuất khẩu là 20%, phí môi trường 30.000 đồng/tấn, giá alumin căn cứ vào giá nhôm, vốn đầu tư và chi phí vận chuyển…, ông Hoàng cho rằng, có hiệu quả cho cả đời dự án với thời gian là 30 năm.
 
Cũng liên quan đến vấn đề bô-xít, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã thông tin thêm về kết quả khảo sát của đoàn Việt Nam tại Hungary vừa trở về cách đây 4 ngày.
 
Khất câu trả lời mang tính kỹ thuật dự án bô xít - 4
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên (ảnh Việt Hưng)

Theo ghi nhận của đoàn, công nghệ khai thác Bô-xít của Hungary được áp dụng tại nơi xảy ra sự cố vỡ bùn đỏ có từ năm 1942. Từ đó đến nay, trên thế giới đã có 6 lần được đổi mới công nghệ và Việt Nam đang áp dụng công nghệ được coi là tiên tiến nhất thế giới. Công nghệ mà chúng ta áp dụng là công nghệ thải ướt có độ PH là 10-11%, còn tại Hungary là 13%, do đó không sợ thiết bị vận chuyển bị ăn mòn.

Bên cạnh đó, hồ bùn đỏ của Hungary được xây dựng trên nền đất yếu, không có hệ thống gia cố, còn Việt Nam thì ta làm thêm 5 lớp nữa như: 2 lớp vải điện kỹ thuật, cát… , rồi bể chứa bùn đỏ của Việt Nam cũng nhỏ hơn nhiều.

Ông Nguyên cũng cho biết, theo GS.VS Đặng Vũ Minh - Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường sau chuyến làm việc tại hai dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, với địa thế trong đó, nếu chủ đầu tư dự án là Tập đoàn khai thác than - khoáng sản Việt Nam thực hiện đúng theo cam kết và phương án đã đặt ra thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

 
Video Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời câu hỏi về bô xít của đại biểu Nguyễn Lân Dũng
 

Cấn Cường - Lan Hương