“Tôi thấy cần công khai, đối thoại với dư luận về bô xít ”
(Dân trí) - Sau chuyến khảo sát của lãnh đạo Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của QH tại dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xung quanh vấn đề này.
Liên quan đến dự án bô xít Tây Nguyên, tôi thấy cần công khai và đối thoại với dư luận. Một số người quá lo lắng mà cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị nhưng thực tế đây là dự án đầu tư, cần căn cứ vào luật đầu tư, luật bảo vệ môi trường, trong đó có tính đến quyền, lợi ích của các bên liên quan và đặc biệt là nhân dân nơi đặt dự án.
Trong chuyến khảo sát, chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư phải làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an toàn của dự án, kể cả thuê tư vấn, thuê giám sát, thuê thiết kế, thuê thẩm định…
Ngoài ra, tôi có yêu cầu TKV, cần phải nêu rõ tên, tuổi, địa chỉ, chức danh của người được thuê thiết kế; ai là người thi công, sử dụng công nghệ nào… để dễ dàng trong việc giám sát, kiểm tra. Nói thật là dự án này ban đầu dư luận quan tâm nhiều đến vấn đề khác nữa, nhưng giờ dư luận quan tâm nhiều đến môi trường, vì thế cần phải công khai.
Như ông nói, quá trình kiểm tra, giám sát là để chỉ ra những cái yếu, cái chưa hoàn thiện của dự án để khắc phục. Sau chuyến đi vừa rồi, những băn khoăn, lo ngại của ông là gì?
Tôi lo ngại khối lượng công việc còn rất lớn trong khi thời gian không còn nhiều. Chúng tôi có đề nghị chủ đầu tư ngoài việc cần tuân thủ các qui trình kỹ thuật trong quá trình thi công, cần thực hiện đúng cam kết về báo cáo tác động môi trường đã cam kết trước cơ quan chức năng và trước nhân dân. Tôi quan ngại khối lượng công việc còn rất nhiều nên việc tổ chức phải tốt.
Thưa ông, giữa báo cáo tác động môi trường trên lý thuyết do chủ đầu tư trình bày và thực tế ông chứng kiến tại hiện trường ra sao?
Tôi chưa đi vào cụ thể từng việc, nhưng tôi tin chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm chỉnh những yêu cầu đặt ra.
Khi dư luận quan tâm, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, giám sát thì có thể chủ đầu tư sẽ thực hiện nghiêm túc những cam kết về môi trường, nhưng đời sống dự án rất dài, kéo dài nhiều chục năm thì việc giám sát bảo vệ môi trường sau này sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
Việc xử lý bùn đỏ được làm thành mấy bước, ban đầu đổ vào khoang, làm khô đi và phủ đất, trồng cây… vậy có nghĩa là sau 5 năm, khoang thứ nhất đã khô, có thể trồng cây và sẽ thực hiện với các khoang tiếp theo.
Bàn đến việc hoàn thổ và trồng cây sau khi khai thác, nhiều ý kiến từng lo lắng khai thác than ở Quảng Ninh, việc hoàn thổ cũng gặp nhiều khó khăn. Ở Quảng Ninh dễ dàng hơn mà còn thực hiện như vậy, với bô xít ở Tây nguyên thì sao?
Mỗi nơi có điều kiện khác nhau, ở Quảng Ninh nếu làm chưa tốt là do pháp luật và dư luận nhân dân chưa nhiều, vì lúc đó pháp luật đâu có chặt chẽ với môi trường như bây giờ, đó là thực tế. Hơn nữa, nơi đó cũng ít đất để hoàn thổ, còn Tây nguyên thì rất nhiều đất.
Với dự án nhạy cảm và nhiều ý kiến như thế này, Ủy ban KH-CN-MT có kế hoạch đưa dự án vào kế hoạch giám sát lâu dài không thưa ông?
Đương nhiên là phải giám sát. Quyền giám sát của QH rất lớn, cái chính là có đủ thời gian, điều kiện để giám sát không. Theo tôi, nếu đặt vấn đề vê tầm quan trọng thì sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Ngay khi QH đang họp, cả đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban và tôi đều vào trong đó đã thể hiện sự quan tâm của Ủy ban đối với vấn đề này.
Sau chuyến đi vừa rồi, Ủy ban KH-CN-MT có kiến nghị hoặc lưu ý gì với chủ đầu tư không thưa ông?
Thường trực ủy ban chưa kịp họp nên chưa có ý kiến, nhưng theo tôi, từ những thông tin tổng hợp mà chúng tôi có được sau chuyến đi thì cũng cần có kiến nghị đối với Chính phủ, chủ đầu tư và chắc chắn Ủy ban sẽ làm.
Xin cảm ơn ông
Nguyên Đức thực hiện