1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khâm phục cô giáo trẻ “băng sông vượt núi” bám trường Nà Ca

(Dân trí) - Đến trường tiểu học Nà Ca, chúng tôi vô cùng cảm kích những cô giáo vùng cao lặng lẽ vượt gian truân cắm bản bám trường, cần mẫn lên lớp vừa dạy dỗ những học sinh nhỏ tuổi vừa giúp các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cô giáo vùng cao - gian truân lắm nhưng đầy ắp yêu thương

Sinh năm 1988 nhưng đến nay cô giáo Ngọ Thị Minh Yến đã trở thành một cô giáo vùng cao “xịn” với “thâm niên” trên dưới 3 năm “băng sông vượt núi” bám trường, giữ lớp khắp huyện Bảo Lâm - Cao Bằng.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Phú Bình - Thái Nguyên, tốt nghiệp Trường Cao đẳng sự phạm Thái Nguyên, khi bao nhiêu bạn bè đồng lứa tất bật nộp hồ sơ xin việc với mong muốn được công tác gần gụi với gia đình, hay ít ra cũng được về giảng dạy tại một ngôi trường khang trang nào đấy trong tỉnh nhà, thì cô giáo trẻ Minh Yến lại “ôm” hồ sơ vượt mấy trăm cây số đường rừng để rồi dừng chân “gieo chữ” tận vùng núi Bảo Lâm - Cao Bằng.

Quãng thời gian khi mới nhận nhiệm vụ, cô Yến được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học Nà Đon - xã Quảng Lâm - Bảo Lâm. Đó thực sự là quãng thời gian khó khăn nhất khi vừa là cô giáo trẻ mới ra trường, lại chưa quen với núi cao, sông sâu, nếp sống, tập tục của bà con nơi đây. Trường Nà Đon cũng nằm chênh vênh bên sườn núi đá nhưng muốn đến được trường phải chèo mảng qua sông Gâm.

 
Khâm phục cô giáo trẻ “băng sông vượt núi” bám trường Nà Ca - 1

Cô giáo Ngọ Thị Minh Yến hướng dẫn học sinh trong giờ học. (Ảnh: Anh Thế)

Sông Gâm mùa này hiền hòa lững lờ chảy như thể một con trăn rừng say mồi nằm mê mệt. Nhưng vào mùa lũ, sông giật mình gầm rú, ào ạt thác nước trắng xóa. Và ít ai dám hình dung vào những ngày nước lũ ấy, những cô giáo miền ngược vẫn thầm lặng một mình dong mảng vượt sông Gâm đến lớp.

Về trường tiểu học Nà Ca năm học 2009 - 2010, ngoài đảm nhiệm bộ môn âm nhạc cho toàn trường, cô Minh Yến còn là một cô tổng phụ trách đội nhiệt tình, năng nổ.

Trong những ngày chúng tôi ở Nà Ca, dù là vào ngày nghỉ nhưng lúc nào cũng thấy Yến tất bật bên các em học sinh với những giờ ngoại khóa, học múa, học hát, hoạt động phong trào cùng các em. Gắn bó, yêu thương là thế nên mỗi năm dù chỉ tranh thủ về quê được đôi, ba lần nhưng Yến bảo nhiều đêm nhớ trường lớp, thương các em học sinh không chịu nổi bởi trường Nà Ca giờ cũng đã là gia đình thứ hai của Yến.

Khâm phục cô giáo trẻ “băng sông vượt núi” bám trường Nà Ca - 2
Sự yêu thương của các em học sinh là động lực lớn nhất với các cô giáo vùng cao.

Một mình ở trọ trong nhà dân dưới thị trấn Pác Miầu, chưa lập gia đình riêng nên buổi trưa cô giáo Yến thường cố gắng giành thời gian ở lại nấu canh mì tôm cho các em, em nào lớn thì tự chan canh, tự ăn. Em nào nhỏ thì cô bón, dỗ các em ăn. Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Yên chia sẻ: “Buồn nhất là vào đầu năm, đến lớp thấy nhiều bàn ghế trống. Các em mải làm nương làm rẫy hay gia đình quá khó khăn mà quên đi học. Các cô giáo lại cùng nhau vượt núi tìm đến tận nhà các em vận động. Đồng bào Mông, mỗi nhà một quả núi hun hút, có khi đi cả ngày không tìm thấy. Kéo được em học sinh nào về lớp học, các cô mừng đến chảy nước mắt”.

Những kỷ niệm trong ký ức của cô giáo vùng cao

Cô giáo trẻ Minh Yến kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm nghĩ lại còn “rùng mình” trong hành trình “gieo chữ” vùng cao. Đó là mùa nước lũ năm học đầu tiên, Yến được phân công về dạy tại trường tiểu học Nà Đon. Cô giáo trẻ “vùng gang thép” vừa tốt nghiệp không mấy khi thấy sông nước nên cũng chẳng hề biết chèo thuyền hay bơi lội. Đến trường nhận công tác dù đã được biết là phải qua sông nhưng vừa chạm bờ sông Gâm, nhìn dòng nước cuồn cuộn, tung bọt đỏ ngầu gào thét, Yến đã hoảng hốt, giật thót mình. Kinh hãi hơn, khi các anh chị đi cùng chỉ vào chiếc mảng được ghép lại từ hơn chục cây tre, cây nứa rừng là “phương tiện dã chiến” vượt sông.

Những ngày đầu tiên đến lớp, phải có các anh chị đồng nghiệp đi cùng Yến mới dám đứng mảng qua sông. Rồi đảm đương nhiều công việc trường lớp, đi sớm về muộn, Yến phải chủ động việc chèo mảng. Một lần, khi sắp vào đến bờ, bất ngờ một đợt sóng ào tới xô cả Yến và mảng ra xa. Khi phía trước đã là một thác nước trắng xóa, Yến liều mình lao xuống sông. Thật may, chỗ đó nước không quá sâu và Yến thoát miệng vực trong gang tấc.

 
Khâm phục cô giáo trẻ “băng sông vượt núi” bám trường Nà Ca - 3

Dòng sông Gâm mùa này thì hiền hòa nhưng đến mùa mưa lũ thì cuồn cuộn chảy khiến việc đi lại các cô giáo gặp khó khăn.

Kể đến đó, Yến nhìn chúng tôi mỉm cười nói rằng: “Giờ thì em quen rồi. Có nhắm mắt cũng qua được sông Gâm. Có lần, đi dạy trên điểm trường trong núi, đang đi ngang đường thì xe máy hỏng. Em bỏ xe máy bên sườn đường cuốc bộ 5km. Buổi trưa dạy xong, cuốc bộ quay lại, xe vẫn nằm yên bên đường mà không mất một chiếc ốc vít nào cả”.

Niềm vui lớn nhất với một cô giáo vùng cao là sự yêu thương mộc mạc, chân chất nhưng vô cùng sâu sắc của các em học sinh dành cho các cô giáo. Một kỷ niệm gắn với học sinh Hoàng Thị Mũ mà đến giờ cô Yến vẫn còn day dứt. Đó là buổi học khi Mũ đi học trở lại sau khi phải nghỉ ở nhà hơn một tháng chăm em sau ngày mẹ mất. Thấy Mũ có vẻ không tập trung, cô Yến nhắc nhở Mũ hơi nặng lời. Sau giờ ra chơi, không thấy Mũ vào lớp, cô Yến lo lắng hỏi thì một em học sinh bảo: “Cái Mũ khóc cô ạ. Nó bảo nó nhớ mẹ nó lắm. Nó đi xuống sông với mẹ nó”. Ngay lập tức, cô Yến chạy xuống bờ sông Gâm dưới chân núi thì thấy Mũ đang ngồi trên tảng đá bên bờ sông khóc nức nở. Quá xúc động, cô Yến ào đến ôm Mũ vào lòng rồi động viên em cố gắng vượt qua khó khăn!

 
Khâm phục cô giáo trẻ “băng sông vượt núi” bám trường Nà Ca - 4
Lên lớp giảng dạy và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống với học sinh  là việc làm, mong muốn của không chỉ riêng cô giáo Yến mà còn của cả 21 thầy cô giáotrường Nà Ca.

Nói về mong muốn bức thiết nhất của mình, cô giáo Yến mỉm cười bảy tỏ thật lòng: “Em muốn gắn bó với ngôi trường Nà Ca. Muốn các em học sinh ở đây vơi bớt những khó khăn hiện tại. Muốn các em học được chữ để sau này có may mắn thì làm sao thoát được khỏi cái nương, cái rẫy”.

Cô Vi Thị Kim Mỹ - Hiệu trưởng trường tiểu học Nà Ca - chia sẻ: “Cô Minh Yến là cô giáo trẻ nhất trường Nà Ca, hết lòng yêu trường yêu lớp, yêu học sinh. Từ miền xuôi lên miền ngược nhưng cô vượt khó, vượt khổ, băng sông vượt núi được các em học sinh yêu quý như một người mẹ, người chị. Những cô giáo trẻ vùng cao như cô Yến chính là linh hồn của những ngôi trường miền núi vẫn còn đang bộn bề khó khăn, vất vả như trường Nà Ca chúng tôi”.

Anh Thế - Quốc Đô