DMagazine

Khám phá bí ẩn về ấn cổ hơn 500 năm được tìm thấy khi đi thăm ruộng

(Dân trí) - "Ấn Tuần phủ Đô tướng quân" có niên đại vào năm Hồng Thuận thứ 6 - đời vua Lê Tương Dực (năm 1515) - đến nay đã hơn 500 năm và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018.

Khám phá bí ẩn về ấn cổ hơn 500 năm được tìm thấy khi đi thăm ruộng - 1

"Trong lúc đi thăm ruộng, con trai tôi bất ngờ tìm thấy một khối kim loại, hình thù rất đẹp nên đem về trưng bày trong nhà. Sau mới biết đây là hiện vật quý, có giá trị văn hóa rất lớn", cụ Võ Phi Tần, người từng lưu giữ "Ấn Tuần phủ Đô tướng quân", chia sẻ.

Năm nay đã ngoài 80, tuy nhiên cụ Tần còn rất minh mẫn và nhớ rất rõ câu chuyện tìm thấy ấn quý, cũng như hành trình bàn giao về cho cơ quan chức năng để bảo tồn, phát huy giá trị của hiện vật mà sau này, cụ Tần mới biết là "Ấn Tuần phủ Đô tướng quân".

Khám phá bí ẩn về ấn cổ hơn 500 năm được tìm thấy khi đi thăm ruộng - 3

Theo cụ Tần, con trai cụ vô tình nhặt được ấn cách đây gần 40 năm. Thời điểm đó, không ít người tò mò đã đến nhà cụ Tần để xem, tìm hiểu, có người còn ngỏ ý mua lại với giá cao nhưng gia đình cụ không bán.

Không lâu sau đó, câu chuyện gia đình cụ Tần lưu giữ ấn, nghi hiện vật quý được cơ quan chức năng nắm bắt, vào cuộc tìm hiểu. Cụ Tần cũng thẳng thắn thừa nhận, lúc đó gia đình từng có ý định giấu chuyện chiếc ấn, tuy nhiên khi được vận động, hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn hiện vật có giá trị văn hóa, cụ Tần đã bàn giao chiếc ấn cho cơ quan chức năng.

"Nhiều người đến xem và hỏi mua, nhưng suy nghĩ nhặt được ấn là cơ duyên, bán đi không hay nên quyết giữ lại. Nói thật lúc đó cứ nghĩ mình nhặt được là của mình. Nhưng khi được giải thích, gia đình tôi đã bàn giao chiếc ấn cho cơ quan có thẩm quyền", cụ Tần cho biết thêm.

Hiện nay, ấn được cơ quan nhà nước quản lý để toàn dân được chiêm ngưỡng, tìm hiểu nên gia đình cụ Tần rất vui và cảm thấy tự hào khi đã góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Khám phá bí ẩn về ấn cổ hơn 500 năm được tìm thấy khi đi thăm ruộng - 5

"Ấn Tuần phủ Đô tướng quân" đang được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình. Cuối năm 2018, hiện vật này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là bảo vật quốc gia đầu tiên và cũng là duy nhất đang được bảo quản tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình.

Ấn quý này được làm bằng chất liệu đồng, một góc đã bị sứt, nặng 3,6kg, có niên đại từ năm Hồng Thuận thứ 6 (đời vua Lê Tương Dực, năm 1515). Ấn có núm cầm hình con nghê quỳ, thân nghê cao 6,5cm, dài 9,5cm, đế ấn dày 2,5cm và khuôn đế được đúc theo hình vuông.

Mặt ấn có kích thước 11x11cm, viền ngoài đế ấn 1cm, bên trong là 8 chữ triện, xếp theo 3 hàng dọc, có nghĩa "Phụng mệnh Tuần phủ Đô tướng quân".

Theo Ban Quản lý Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, trong số các ấn được kiểm kê, đăng ký và bảo quản tại đơn vị cũng như các bảo tàng trên toàn quốc, "Ấn Tuần phủ Đô tướng quân" là hiện vật gốc, độc bản, quý hiếm và tiêu biểu cho các loại ấn dưới triều đại nhà Lê Sơ. Đây là chiếc ấn duy nhất được tìm thấy của quan "Tuần phủ Đô tướng quân" thời Lê Sơ trên cả nước.

Khám phá bí ẩn về ấn cổ hơn 500 năm được tìm thấy khi đi thăm ruộng - 7

Được biết, việc giải nghĩa chức vụ của viên quan có chiếc ấn này khá khó khăn. Hiện vẫn chưa có từ điển, sách ghi về chức quan Việt Nam thật đầy đủ qua các triều đại, nhất là từ thời Lê Sơ trở về trước.

"Ấn Tuần phủ Đô tướng quân" đi liền với chữ "phụng mệnh" nên có thể hiểu đây là một chức không cố định. Ấn được ban cho các quan tướng khâm sai, khâm phái, tạm thời đi thi hành công vụ, đến những nơi xung yếu tại các địa phương để tuần tra.

Theo nhà nghiên cứu Hán - Nôm Trương Quang Phúc (89 tuổi), trú thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, ấn đang lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình là của một vị tướng quân. Thời phong kiến, ấn được sử dụng ở chiếu chỉ của vua và các văn bản của quan lớn.

Khám phá bí ẩn về ấn cổ hơn 500 năm được tìm thấy khi đi thăm ruộng - 9

Theo ông Phúc, ấn hay sắc phong là những hiện vật vô cùng quý giá, việc tìm thấy, gìn giữ hết sức quan trọng bởi nó có giá trị văn hóa, lịch sử lớn, minh chứng rõ nét về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, tư liệu quý trong chiều dài lịch sử của đất nước ta.

"Mỗi hiện vật quý là một câu chuyện về quá khứ và mang lại nhận thức sâu sắc lịch sử và văn hóa của đất nước, thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa của dân tộc ta, là minh chứng khoa học cho lịch sử phát triển của đất nước qua hàng ngàn năm, khẳng định mạch nguồn lịch sử và văn hóa lâu đời.

Các hiện vật còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và truyền tải câu chuyện lịch sử và văn hóa cho thế hệ sau", ông Phúc nhấn mạnh.

Khám phá bí ẩn về ấn cổ hơn 500 năm được tìm thấy khi đi thăm ruộng - 11

Bảo vật quốc gia "Ấn Tuần phủ Đô tướng quân" từ khi được công nhận tới nay luôn nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh Quảng Bình. Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh này đã chỉ đạo, đôn đốc đơn vị quản lý, trực tiếp là Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình thực hiện sắp xếp kho bảo quản riêng biệt, lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát 24/24 và thường xuyên bảo dưỡng định kỳ…

Bên cạnh đó cũng xây dựng phương pháp phòng, chống cháy nổ, trộm cắp, các nguy cơ gây hại, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia.

Lãnh đạo Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, cho hay đã sắp xếp bảo vật ở kho riêng biệt, đảm bảo các điều kiện bảo quản về độ ẩm, nhiệt độ, thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng hiện vật theo đúng các quy định.

Khám phá bí ẩn về ấn cổ hơn 500 năm được tìm thấy khi đi thăm ruộng - 13

Liên quan đến việc ấn bảo vật quốc gia thời gian dài bảo quản trong kho, chưa được trưng bày, lãnh đạo Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, lý giải do chưa có tủ đảm bảo an toàn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ làm tủ chuyên dụng để trưng bày hiện vật, bảo quản bảo ấn một cách an toàn, tránh các nguy cơ hư hại, mất cắp.

Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình luôn dành một phần ảnh, bài viết giới thiệu về bảo vật quốc gia "Ấn Tuần phủ Đô tướng quân" trên trang thông tin điện tử. Đơn vị cũng ưu tiên số hóa nhằm quảng bá giá trị bảo vật đến với đông đảo quần chúng.

Bên cạnh "Ấn Tuần phủ Đô tướng quân", Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình còn trưng bày hơn 15.000 tranh ảnh, hiện vật liên quan đến văn hóa Quảng Bình thuộc nhiều thời kỳ, lịch sử, văn hóa địa phương này.

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Tuấn Huy