Hôm nay Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Giáo dục
(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng và Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn là hai tư lệnh đăng đàn trả lời chất vấn trong ngày 19/6.
Theo chương trình nghị sự, sáng 19/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính.
Các nội dung chất vấn gồm giải pháp về công tác tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, xác lập, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Quốc hội cũng chất vấn về cơ chế, chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).
Trong buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.
Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Các nội dung chất vấn gồm thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học gắn với yêu cầu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Việc thực hiện quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm. Công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 9.
Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, ông Sơn cho rằng dạy thêm, học thêm không phải là vấn đề mới, nhưng thay vì giảm bớt, dạy thêm, học thêm ngày càng có quy mô rộng lớn hơn dưới nhiều hình thức.
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết điều này không chỉ gây áp lực lớn lên học sinh và cha mẹ học sinh mà còn đi ngược lại tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dạy thêm, học thêm tràn lan đang làm suy giảm giá trị thực sự của việc học.
Ông Sơn nhấn mạnh quan điểm của Bộ Giáo dục là hướng tới các trường không có dạy thêm, tăng cường nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, tăng cường trách nhiệm giải trình về chất lượng giáo dục của nhà trường, dành thời gian, không gian cho học sinh được trải nghiệm, thực hành, rèn luyện thông qua các hoạt động giáo dục theo nhu cầu cá nhân để phát triển toàn diện.
Theo ông Sơn, giáo dục cần trở lại đúng bản chất kiến tạo những công dân tự chủ, sáng tạo và trách nhiệm với xã hội, nơi mỗi ngày đến trường là một ngày vui; các trường học là những ngôi trường hạnh phúc.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định dạy thêm, học thêm là một vấn đề phức tạp, có tác động xã hội lớn, vì vậy một thông tư quy định quản lý dạy thêm, học thêm chưa thể giải quyết được hết các vấn đề.
Ông Sơn cho biết Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm minh bạch hóa hoạt động này, bảo đảm an toàn cho người học, bảo đảm lợi ích chính đáng của nhà giáo, tăng cường quản lý Nhà nước và đảm bảo thu thuế đối với các doanh nghiệp tổ chức dạy thêm...