1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh

(Dân trí) - Thành phố bắt đầu chuyển sang ngày mới. Trong yên ả của màn đêm gần tan, chợ rau xanh ngày mùng 4 Tết bắt đầu.

Thành Vinh ngày mùng 4 Tết hàng trăm người từ khắp các huyện phủ cận đổ về chợ rau xuân mở màn cho đầu năm mới. Tại đây, họ cầu mong một năm gặp nhiều may mắn...

Gánh hàng rau chợ đêm nơi thành Vinh

“… Để khai mào cho một năm khấm khá, chúng tôi thức giấc từ 2 giờ sáng, đạp gần 10km, thồ 2 sọt rau vào chợ Vinh…”. Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Thế Hanh, mấy đời làm rau ở làng rau Hưng Đông (TP. Vinh, Nghệ An).

Để chuẩn bị rau cho ngày đầu năm, nhà ông Hanh cắt hái, bó gọn từ lúc 11-12 giờ đêm. Từ nhà đạp xe thồ hơn 1 tạ hàng tới chợ thường ông phải mất cả tiếng đồng hồ.

Cũng như ông, nông dân ở ngay các xã ngoại thành như Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên), Hưng Đông (TP. Vinh) … đều có mặt từ rất sớm và chợ họp đông nhất là vào lúc 4-5 giờ.

Còn đối với những người dân ở các huyện xa như Nam Đàn, Nghi Lộc, thậm chí cà chua, bí xanh, khoai tây từ các tỉnh bạn như Vĩnh Phúc, Hưng Yên… thì người đi chợ phải thức giấc từ lúc nửa đêm, hoặc rau củ phải chuyển bằng ô tô vào ngày hôm trước. Chị Nguyễn Thị Bình, quê xã Nam Anh (huyện Nam Đàn), dẫu là người có xe máy chở hàng, nhưng đêm nào chị cũng chỉ ngủ được có 4 tiếng. Chị kể: “Tôi đi ngủ vào lúc 10 giờ tối và dậy lúc 12 giờ đêm. Vội vàng rửa mặt mũi xong và chằng hàng rồi phóng một mạch đến chợ Vinh. Năm nay đầu xuân cầu mong cho những gánh hàng khai xuân được suôn sẻ, cầu mong năm mới được an khang thịnh vượng, gặp nhiều may mắn…”.

Chị Nguyễn Thị Năm, ở Hưng Phú (Hưng Nguyên) rời nhà đến chợ từ 11 giờ đêm. Trong ánh sáng lờ mờ khuôn mặt chị vẫn rõ vẻ khắc khổ, vóc dáng nhỏ bé, gầy gò mà đêm đêm đều đặn thồ bảy, tám chục cân rau, gồng mình đạp xe mấy chục cây số. Chồng chị là bộ đội đóng quân ở xa, một mình nuôi hai con nhỏ, đã bốn mùa đông chị đi bán rau ở chợ đêm. Giọng chị trầm, chậm rãi: “Chịu khó đi xa, vất vả, cực nhọc nhiều nhưng kiếm thêm vài chục nghìn và cũng mong năm mới làm ăn gặp nhiều điều may".

Từ ngày đi bán hàng rau, mỗi tháng chị dành dụm được chừng gần 2 triệu đồng, phụ thêm với cây lúa dưới ruộng, con lợn, bầy gà trong chuồng, cũng tằn tiện, đắp đổi để nuôi mẹ già và 2 con ăn học.

Lao xao chợ xanh

Hai giờ sáng, chợ bắt đầu rôm rả, lao xao tiếng mời chào. Người bán người mua không tỏ mặt nhau nhưng chẳng thấy mấy ai nói thách hay mặc cả. Khách quen nhau qua giọng nói. Tiếng thì thầm, lầm rầm trong lờ mờ ánh đèn đường tan loãng giữa khuya.
 
Chợ đêm đậm nét quê mùa, chân chất, không thấy vẻ xô bồ, cảnh kì kèo thêm bớt. Người đến chợ đêm không đi một mình, thường theo nhóm cùng làng, cùng xã. Đêm dài, đường xa, câu chuyện giữa họ là giống cây, thời tiết, chuyện học hành của con cháu, chuyện làng, chuyện xã...
 
Mỗi người một cảnh, thường là nghèo, lặn lội đến chợ mong đổi mồ hôi, công sức, bớt giấc ngủ để thêm chút tiền công và cầu mong một năm mới làm ăn tấn tới, rau làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó....

Dưới ánh đèn vàng, tôi thấy mấy chị buôn rau đang quây quanh xe hành lá của bác Trung ở xã Hưng Đông (TP Vinh) để mua. Từ 9 giờ tối bác dùng chiếc xe máy cũ tiếng nổ phành phạch, thồ gần một tạ hành hoa tươi ra chợ xuân thành Vinh bán. Nhà bác trồng ba sào, mỗi sào cho thu hoạch khoảng sáu tạ hành, gom góp, chắt chiu tiền nuôi hai đứa con ăn học.

Anh Minh ở xã Nam Anh (Nam Đàn) chuyên trồng cà chua và thu mua các hộ trong xã xuống Vinh bán, mỗi phiên chợ anh cũng lãi khoảng 100.000 đồng. Anh bảo: “Có lần gặp người bị tai nạn giao thông, tôi đưa nạn nhân đến bệnh viện, bỏ buổi chợ, để sau đó phải thồ nguyên xe cà chua đi bán dạo. Cũng dịp đầu xuân năm mới này cầu mong những chuyến hàng ngược xuôi được trọn vẹn”.

Gặp nhau ở chợ đêm, các anh chị đon đả, hỏi han nhau, cười nói xởi lởi khác hẳn vẻ ngày thường trông lầm lũi.

Những vệt đèn pin loang loáng cùng với tiếng cười nói lao xao. Chẳng phân biệt kẻ bán người mua, những bóng nhỏ bé chung nhau những mảnh áo mưa. Nếu như người nông dân có rau quả mang bán phải vất vả mệt nhọc, thì với những tư thương buôn bán lẻ, nhỏ ở các chợ, ngõ, ngách trong thành phố, cũng phải mưu sinh từ lúc nửa đêm, gà gáy.

Dù vất vả là vậy, nhưng với những người nông dân này, cứ bán hết hàng, cứ bán đắt hàng là không có niềm vui nào lớn hơn! Chị Nụ, bán bí đao, hồ hởi nói: “Tôi chỉ sợ ế hàng thôi! Chứ đắt giá mà lại hết hàng thì vất vả thêm chút nữa cũng chả sao. Năm mới họp chợ đầu xuân thấy nhiều người mua thế này chắc chắn một năm an lành rồi...”.

Chợ xanh đêm thành Vinh ngày đầu năm Tân Mão nhộn nhịp, vui vẻ, nhiều người mua... như đang hứa hẹn một năm mới bình an, gặp nhiều điều may. 
 
Dân trí ghi lại khai xuân chợ rau thành Vinh từ 2 - 8 giờ sáng ngày 4 Tết tức 6/2/2011:

Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 1

Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 2
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 3
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 4
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 5
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 6
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 7
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 8
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 9
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 10
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 11
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 12
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 13
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 14

Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 15

Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 16
Khai xuân chợ rau đầu năm nơi thành Vinh - 17
Chợ rau thành Vinh khai xuân được họp cho đến 8 giờ ngày 6/2/2011 tức mồng 4 Tết. Trong khi đó chọ rau thành Vinh chỉ họp đến 6 giờ sáng đã tan...


Nguyễn Duy - Trần Hải

Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011