1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Ngãi:

Khai quật tàu đắm: Số cổ vật thu được thấp hơn 10 lần dự kiến

(Dân trí) - Chiều ngày 30/6, Ban chỉ đạo khai quật cổ vật ở thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đã tổ chức họp công bố số cổ vật khai quật được từ con tàu đắm. Theo đó chỉ có hơn 4.000 hiện vật còn nguyên so với 40.000 cổ vật dự kiến ban đầu.

Thân tàu có nhiều vết mục nát do bị cháy

Thân tàu có nhiều vết mục nát do bị cháy
 
Kết thúc giai đoạn khai quật trong con tàu đắm, từ ngày 4-23/6, đơn vị khai quật thu được 268 thùng hiện vật, trong đó có 91 thùng tương đối còn nguyên vẹn (hơn 4.000 cổ vật) và 177 thùng hiện vật bị vỡ. Các cổ vật được xác định niên đại thuộc thế kỷ XIII, cách gần 700 năm về trước.

 

Qua kết quả thu hoạch cổ vật, các chuyên gia khảo cổ xác định những giá trị hiện vật về đồ đồng như gương, quả cân, đinh thuyền bằng sắt dùng để liên kết các thanh ván cấu trúc của tàu và tiền đồng (19 loại) có niên đại muộn nhất từ thế kỷ XIII.

 

Đối với đồ gốm sứ bao gồm đồ gốm men nâu (hũ, lọ và chậu có văn hoa chanh, hoa dây, sóng nước, hình học khắc chìm để mộc trên nền men nâu, mác hiệu của lò sản xuất như Đức Chính Nhuận và Ngô Nhậm Hiệu), gốm men ngọc (đĩa, bát, lư hương và cốc có màu xanh da táo, màu vàng chanh, ô liu trắng đục), sứ hoa lam (loại ấm 2 bầu, chén vẽ hoa cúc dây phủ men trắng xanh và đáy mộc), sứ men trắng xanh (loại đĩa trong lòng in nổi 2 hình cỏ hoặc hình lá đề để mộc) và gốm men màu (có màu xanh ngọc sẫm như loại nắp hình lá sen).
 
Loại đĩa men ngọc có hoa văn mẫu đơn rất có giá trị
Loại đĩa men ngọc có hoa văn mẫu đơn rất có giá trị

 

Toàn bộ số hiện vật trên được tìm thấy trong con tàu đắm có chiều dài 20,5m, chiều ngang rộng nhất nằm phía sau khoảng giữa tàu là 5,6m, thân tàu được chia làm 13 khoang, 12 vách ngăn. Hiện trạng thể hiện tàu bị cháy trước khi chìm, rõ nhất dấu tích từ khoang 4 đến khoang 6, chất liệu gỗ và niên đại C14 theo phân tích của chuyên gia khảo cổ.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật Bộ VHTT&DL cho biết: “Đây là con tàu cổ thứ 6 được khai quật trên cả nước, tuy nhiên lần này, việc khai quật khác với những chiếc tàu đắm trước về cách khai quật bằng cừ lá sen. Đồng thời, các cổ vật làm tiết lộ thêm nhiều nét văn hóa có từ 700 năm trước. Đặc biệt, cổ vật vẫn còn chắc chắn, bề ngoài men bóng bởi được sản xuất từ chất liệu đá cao lanh nghiền nát, nung ở nhiệt độ trên 1.200 độ C và khắc chạm khá tinh xảo”.
 
Dù trải qua 700 năm nhưng mạng gỗ thân tàu vẫn còn chắc chắn và gần như nguyên vẹn
Dù trải qua 700 năm nhưng mạng gỗ thân tàu vẫn còn chắc chắn và gần như nguyên vẹn

 

Hiện nay, công tác khai quật đang dừng lại ở công đoạn lấy cổ vật trong tàu đắm. Riêng con tàu, nhiều ý kiến đưa ra hai giải pháp. Một là để bảo tồn con tàu ở dưới biển để phát triển du lịch sinh thái biển. Hai là trục vớt con tàu đưa về bảo tàng phục vụ tham quan. Tuy nhiên, hai phương pháp đề nghị vẫn chưa thống nhất vì thiếu kinh nghiệm, con người, cơ sở vật chất và kinh phí thực hiện.

 

Dự kiến trong vài ngày tới, đơn vị khai quật tiếp tục thực hiện khai quật bên ngoài con tàu bằng phương pháp lặn, ước tính thời gian thực hiện trong 15 ngày.

 

Hồng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm