1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khai mạc phiên tòa vì nạn nhân dioxin tại Pháp

Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã khai mạc sáng 15/5 tại thủ đô Paris của Pháp, thu hút gần 200 người tham dự, chủ yếu là Việt kiều, bạn bè Pháp và quốc tế.

Khai mạc phiên tòa vì nạn nhân dioxin tại Pháp - 1

Phiên tòa diễn ra trong hai ngày 15 và 16/5.
 

Được tổ chức theo sáng kiến của Hội luật gia dân chủ quốc tế, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam như tổ chức Quyền Bình đẳng, Hội hữu nghị Pháp - Việt, Hiệp hội nhân quyền quốc tế, Hội các cựu chiến binh Cộng hòa Pháp, Collectif Vietnam Dioxine, Ủy ban làng hữu nghị Vân Canh và Phong trào vì Hòa bình, phiên tòa nhằm mục đích tạo điều kiện để các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam và quốc tế bày tỏ vấn đề của mình, đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới, những ai có lương tri, yêu hòa bình, lên tiếng ủng hộ họ.

 

Về phía nhân chứng, ngoài 3 nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 3 nhà khoa học trong các lĩnh vực y tế, hóa học và môi trường, đại diện cho 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, phiên tòa còn có sự góp mặt của một số nạn nhân đồng thời là nhân chứng đến từ Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Mặc dù phía bị đơn là các công ty hóa chất Mỹ không cử người đến tham dự và cũng không có thư hồi âm, nhưng phiên tòa vẫn diễn ra theo trình tự tố tụng.

 

Sau phần giới thiệu mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức phiên tòa, quan tòa bao gồm các luật sư nổi tiếng đến từ các nước Angeria, Chile, Nhật Bản, Mỹ và Romania đã làm việc dưới sự chủ tọa của ông Jitendra Sharma, luật sư thuộc Tòa án Tối cao Ấn Độ.

 

Các luật sư biện hộ cho bên nguyên là Jeanne Mirer và Roland Weyl đã có bài phát biểu lý do khởi kiện của các nạn nhân Việt Nam, về chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh cũng như hậu quả nặng nề của nó đối với con người và môi trường Việt Nam mà hơn 3 triệu người dân Việt Nam vẫn phải gánh chịu mặc dù chiến tranh đã lùi xa 35 năm nay.

 

Những câu chuyện đầy nước mắt và nỗi buồn của ông Phạm Ngọc Chu và ông Mai Giảng Vũ, hai người lính ở hai đầu chiến tuyến đã làm phiên tòa xúc động. Họ - người là bộ đội Cụ Hồ, người là lính Cộng hòa - giờ đây đứng trước tòa án công luận khi cả hai đều là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Họ đều đã mất đi những đứa con hoặc phải nuôi suốt đời những đứa trẻ tàn tật. Bản thân họ cũng bị giày vò bởi các căn bệnh do chất độc da cam/dioxin để lại.

 

Hình ảnh người thanh niên trẻ Phạm Thế Minh với đôi chân tật nguyền, di chứng do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin mà bố mẹ anh đã phải chịu sau những năm tháng ở chiến trường đã làm nhiều người rớt nước mắt. Bên cạnh họ, các nhân chứng đến từ Nhật Bản và Đức, vợ của những người lính cựu chiến binh Mỹ cũng đã góp phần nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và trách nhiệm mà các công ty hóa chất phải nhận.

 

Theo chương trình, trong hai ngày làm việc 15 và 16/5, phiên tòa sẽ nghe lời kể của các nhân chứng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cũng như những báo cáo nghiên cứu của các bác sĩ, các chuyên gia hóa học và các nhà nghiên cứu xã hội Việt Nam và thế giới trình bày về hậu quả và tác động của chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường. Sau phần luật sư biện hộ, tòa sẽ đưa ra kết luật cuối cùng trước khi tổ chức cuộc họp báo quốc tế chính thức vào ngày 18/5.

 

Trong thời gian diễn ra phiên tòa, một triển lãm ảnh về nạn nhân chất độc da cam/dioxin được tổ chức tại trụ sở của Hội người Việt Nam tại Pháp. Đây là những bức ảnh do 4 phóng viên - nhà báo nước ngoài thực hiện tại Việt Nam.

 

Nhân dịp này, cuốn phim tài liệu “Khúc tưởng niệm cho riêng mình” của đạo diễn người Nhật Bản Masako Sakata cũng được trình chiếu.

 

Nội dung phim là câu chuyện về người chồng đã mất của đạo diễn Sakata, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đồng thời là một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Phim đã đoạt giải thưởng lớn trong Liên hoan phim quốc tế về môi trường năm 2008.

 

Theo TTXVN/Vietnam+