1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phiên toà của lương tâm

Tháng 2/2008, toà New York bác bỏ đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam và Mỹ; Tháng 3/2009, Toà án tối cao Mỹ bác bỏ tiếp vụ kiện. Nhân danh dư luận và lương tâm quốc tế, một toà án công luận quốc tế sẽ họp tại Paris (Pháp) ngày 15-16/5 tới.

Phiên toà của lương tâm - 1
Đoàn nạn nhân da cam Việt Nam đến dự phiên điều trần tại toà phúc thẩm liên bang khu vực 2 ở New York tháng 6/2007. Ngồi xe lăn là hai nạn nhân Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Văn Quý. Cả hai đều từ trần chỉ vài tuần sau khi từ Mỹ trở về. 

 

Toà án sẽ do luật sư Jitendra Sharma - luật sư Toà án tối cao Ấn Độ, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế chủ toạ, và bao gồm các luật gia Juan Guzman (Chile), Kader Asmal (nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi), Claudia Morcon (Chánh án danh dự Toà án Mỹ), Marjorie Cohn (giáo sư luật quốc tế Mỹ), Adda Bekkouche (giáo sư luật quốc tế Algeria)...

 

Phiên toà là sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế, hợp tác tổ chức với Hội Nhân quyền quốc tế, phong trào Hoà bình, Hội Các cựu chiến binh cộng hoà, Hội Hữu nghị Pháp - Việt, làng hữu nghị Vân Canh, tập hợp tổ chức Collectif Vietnam dioxine…

 

Trát toà đã gửi đến Chính phủ Mỹ và 32 công ty hoá chất, đứng đầu là Dow Chimical, Monsanto, Pharmacia. Nếu họ không đến, các thẩm phán sẽ xử vắng mặt.

 

Trong hai ngày hoạt động, toà sẽ xem xét và đưa ra kết luận về những bằng chứng tác hại của việc sử dụng chất độc da cam của quân đội Mỹ từ năm 1961 - 1971; xem xét trách nhiệm của nhà cầm quyền Mỹ từ những năm 1961 - 1971 trong việc chỉ đạo tiến hành chiến tranh hoá học ở Việt Nam, bất chấp luật quốc tế; trách nhiệm của Chính phủ Mỹ trong việc đền bù các hậu quả trên môi trường thiên nhiên cũng như sức khoẻ của người dân Việt Nam. Toà cũng sẽ đưa ra dư luận quốc tế xem xét những vấn đề có liên quan đến 32 tập đoàn sản xuất chất dioxin sử dụng trong chiến tranh Việt Nam: trách nhiệm luật pháp và lương tâm đối với hậu quả của việc sử dụng các hoá chất do họ sản xuất tại Việt Nam.

 

Đoàn Việt Nam, theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - sẽ gồm ba nạn nhân chất độc da cam, ba nhà khoa học trong các lĩnh vực y tế, hoá học, chuyên gia môi trường và các thành viên lãnh đạo hội.

 

Trong hai ngày 15 - 16/5, 14 thành viên của đoàn sẽ đại diện cho ba triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tham dự phiên toà với tư cách nhân chứng và người bị hại. Đoàn sẽ cung cấp cho toà những bằng chứng tiêu huỷ môi trường do hậu quả chiến tranh, để các thẩm phán làm rõ trách nhiệm của phía Mỹ và yêu cầu các công ty hoá chất Mỹ có trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

 

Ngoài các nhân chứng khởi đi từ Việt Nam, phiên toà còn có một nhân chứng nữa đang sinh sống tại Pháp: bà Trần Tố Nga - người bị nhiễm chất độc dioxin trong thời gian chiến tranh ở Củ Chi, mà hậu quả là một đứa con bị chết vì bệnh Falot khi mới hơn một tuổi, một đứa sống nhưng mang căn bệnh khó chữa: Alpha thalassémie. Được sự cho phép của bà Nga, chúng tôi xin trích đăng một đoạn chứng thư mà nhân chứng Trần Tố Nga sẽ đọc ở toà:

 

“Câu chuyện của tôi quá nhỏ bé, quá tầm thường so với câu chuyện của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đang sống trên khắp đất nước Việt Nam. Nếu như hôm nay, tôi xin được làm nhân chứng tại toà án này, chính vì tôi muốn nói thay cho những người không còn nói được, không đến được nơi này.

 

Tôi xin có một lời mời, mà cũng là một lời thách thức: tất cả những người cầm quyền Mỹ đang lớn tiếng yêu cầu tôn trọng nhân quyền, tất cả những tập đoàn sản xuất chất hoá học đã rải lên đất nước Việt Nam từ năm 1961 - 1971 đang chối bỏ trách nhiệm của mình, xin hãy đến Việt Nam, đến với các nạn nhân chất độc da cam dù chỉ một ngày thôi, để tận mắt thấy, để tận tay sờ lên những vết thương, để cảm nhận đến tận cùng nỗi thảm đau ghê tởm mà mình đã gây ra, để cùng tìm ra giải pháp chuộc lại lỗi lầm.

 

Dù tuổi cao, sức yếu, tôi xin tình nguyện đi với các vị, đi đến cùng trời cuối đất, đi đến tất cả những nơi có nạn nhân chất độc da cam, đi đến khi nào các vị đã thấy rõ điều cần làm...”.

 

Báo cáo của Liên hiệp quốc viết năm 1969 định nghĩa các tác nhân chiến tranh hoá học (chemical warfare agents) là “... những hoá chất - dù là khí, chất lỏng hay chất đặc - có thể sử dụng vì ảnh hưởng độc hại của chúng trên con người, thú vật và thực vật”.

Nghị định Geneva năm 1925 đặt ngoài vòng pháp luật việc sử dụng bất cứ chất lỏng, vật liệu, hay công cụ nào chứa độc chất trong chiến tranh.

 

Năm 1997, cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer) cũng phân loại dioxin là một độc chất có khả năng gây ra ung thư cho con người. Trước đây, cơ quan Bảo vệ môi trường (Environmental Protection Agency, EPA, Mỹ) chỉ phân loại dioxin như là một chất “có thể gây ra ung thư”. Nhưng trong một báo cáo khoa học mật được đệ trình lên Quốc hội Mỹ, các nhà nghiên cứu Mỹ đã khẳng định rằng dioxin gây ra nhiều ung thư trong con người, kể cả ung thư máu và ung thư phổi. Họ cũng đề nghị EPA phân loại lại dioxin là độc chất số một, tức độc hại nhất trong các hoá chất.

 

Ngày 30/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam quyết định đệ đơn kiện các công ty hoá chất Mỹ. Các công ty này bị truy tố với 10 tội phạm, kể cả tội phạm chiến tranh, làm lợi bất chính, gây thương tích cho thường dân, v.v...

 

Sau một thời gian ngắn nghe bằng chứng từ phía nguyên đơn và bị đơn, ngày 10/3/2005, thẩm phán Jack Weinstein thuộc toà án địa hạt Brooklyn, New York, công bố phán quyết trong một tài liệu dài 233 trang, đề cập đến các trường hợp kiện cáo trước đây, đến các khía cạnh lý thuyết của luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế, và kết luận rằng: “Các yêu sách của phía nguyên đơn không có cơ sở pháp lý dưới bất cứ luật nội địa, hay luật quốc gia, hay luật tiểu bang, hay luật quốc tế. Vụ kiện không được xét xử”.

 

Phía nguyên đơn quyết định theo đuổi vụ kiện qua một phiên toà phúc thẩm. Ngày 18/6/2007, Toà án New York bắt đầu xét xử đơn của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đệ đơn kiện 32 công ty hoá học từng sản xuất và cung cấp hoá chất, kể cả chất độc da cam sử dụng trong cuộc chiến kéo dài suốt 10 năm (1961 - 1971). Phiên toà thu hút sự chú ý của thế giới và cả Quốc hội Mỹ.

 

Ngày 22/2/2008, phiên toà phúc thẩm ở New York bác bỏ kháng đơn của hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và giữ nguyên phán quyết của chánh án Jack Weinstein.

 

 

Theo Hải Triều

Sài Gòn tiếp thị