1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khách chơi xuân “săn” đào ngoại

(Dân trí) - Dạo quanh thị trường đào Tết Hà Nội năm nay, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước thực tế nhiều khách chơi đào “sính” hàng ngoại, đang bỏ công săn lùng các loại đào đến từ nước ngoài như Trung Quốc, Lào.

Do thời tiết lạnh giá kỷ lục khắp miền Bắc suốt gần 1 tháng qua với nhiệt độ tại Thủ đô Hà Nội thường ở mức trên dưới 10 độ C nên những làng đào nổi tiếng như Nhật Tân, La Cả, Phú Thượng, Yên Nghĩa… gần như mất mùa. Nhờ vậy, thị trường đào Hà Nội có dịp sôi động với sự góp mặt của của những “giai nhân” đào ngoại.

Những khu vực tập kết đào năm nay là đường Hoàng Quốc Việt, đường Nguyễn Khánh Toàn, đường Hồ Tùng Mậu, đường Tây Sơn, đường Giải Phóng, khu vực trung tâm quận Hà Đông… Tại đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân chúng tôi được chứng kiến cả một “vườn” đào Lào biệt lập với hàng chục cành đào xếp kín một đoạn vỉa hè đối diện bến xe Hà Đông.

 
Khách chơi xuân “săn” đào ngoại - 1

Đào Lào được bày bán trên đất Hà thành. (Ảnh: Anh Thế)

Anh Nguyễn Văn Tân - chủ lô đào cành khẳng định: “Toàn bộ số đào của chúng tôi là đào Lào được chặt trên địa phận nước bạn cách biên giới chừng trên dưới 20 km”

Theo lời anh Tân, để có được lô đào trên, anh và một vài người bạn hùn vốn phải đặt hàng hơn chục ngày với những người dân vùng biên giới giáp Lào. Bạn buôn của anh Tân đã gia nhập cùng đoàn người bản địa trong hành trình vượt qua biên giới sang vùng núi cao của nước bạn Lào tìm mua đào cổ thụ đưa về Hà Nội bán phục vụ tết năm nay.

Để chứng minh về nguồn gốc đào ngoại, chủ đào chỉ cho chúng tôi những gốc đào chặt có đường kính cả vài chục cm, thân xù xì rêu mốc và cành lá khẳng khiu mà như anh khẳng định chắc chắn chỉ sang Lào mới tìm được; chứ vào rừng sâu của ta cũng không có bởi tình trạng “tận diệt” đào núi mấy năm trở lại đây.

Theo anh Tân, thông thường các giống đào núi của ta thường ít nụ, ít hoa; nụ hoa nhỏ, khi nở vểnh ra so với cành đào một góc trên dưới 45 độ trong khi đào Lào chi chít nụ hoa và khi nở thường áp sát vào cành.

 
Khách chơi xuân “săn” đào ngoại - 2

Một cặp đào được chủ đào khẳng định là đào Trung Quốc có giá 10 triệu đồng.

Để có vài chục gốc đào Lào được bảo quản tốt đưa về đất Hà Nội như vậy, anh Tân cho biết mình đã phải đầu tư trên dưới 70 triệu đồng và sau ba ngày bày bán đã thu về hơn 20 triệu đồng. Do quãng đường vận chuyển công phu và chất lượng đào nên giá đào cành của anh khá cao, dao động từ một vài đến 20 triệu đồng.

Khác với đào Lào, chủ yếu là đào cành được chặt từ những thân cây cổ thụ tại các vùng núi cao giáp biên giới, đào Trung Quốc lại “đổ bộ” theo đường Lạng Sơn xuống Hà Nội và chủ yếu là đào cây. Tranh thủ lượng đào khan hiếm tại Thủ đô năm nay, nhiều dân buôn mới “thử nghiệm” buôn “đào Tàu” lần đầu tiên nên số lượng còn khá hạn chế.

Tại khu vực chợ hoa phố Nhuệ Giang - Hà Đông, hiếm hoi lắm mới tìm được những cây đào mà chủ đào khẳng định rằng “một trăm phần trăm” là “đào Tàu” vừa hạ chợ. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của những cây đào được quảng cáo là đào Trung Quốc này là thân nhỏ và khẳng khiu. Tuy nhiên lại khá nhiều nụ hoa và được khẳng định rằng khi hoa nở ít nhất là một tháng mới tàn. 

Khách chơi xuân “săn” đào ngoại - 3
Những chậu đào của làng đào La Cả cũng có giá vài triệu đồng

Chủ đào Phan Văn Huấn chỉ vào cây đào Trung Quốc của mình bật mí: “Những cây đào này chúng tôi mua lại của bà con dân tộc vùng giáp biên rồi tranh thủ để cùng lên xe hàng chở về nên số lượng không nhiều. Đào Trung Quốc thường nhỏ bé và khẳng khiu hơn đào ta rất nhiều vì bên đó không khí lạnh có khi âm cả chục độ. Tuy nhiên, sắc hoa tươi đỏ vì đã thích nghi được cái rét và đặc biệt khi hoa đã nở thì rất lâu tàn”.

Với nguồn gốc “độc” và những đặc tính ưu việt theo lời quảng bá nên những cây đào Trung Quốc hiếm hoi được hét giá... choáng váng. Những cây có nhiều cao từ 30 đến 50cm nhiều hoa được ra giá từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Những cây lớn hơn được ra giá từ 7 đến 10 triệu đồng.

Trong khi đó tại Nghệ An, đa phần những người sành chơi hoặc cầu kỳ thường cất công ngược lên rừng miền Tây xứ Nghệ kiếm đào quê. Bản Còn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp từng được xem là “thủ phủ” của đào ta (đào quê) - những ngày này nhộn nhịp khách miền xuôi lên mua đào. Ông Lương Viết Tâm ở bản Còn cho biết: “Nhà tôi trồng 10 cây đào ta đã được hơn chục năm nay rồi. Năm nay thời tiết khá lạnh nên hoa ra chậm hơn, búp nhiều và đẹp và hứa hẹn đến tết hoa sẽ nở bung. Năm nay đào cũng được giá, mỗi cành bán lẻ có giá từ 500-800 ngàn đồng, bán cả cây là 1,2 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm này đã có nhiều khách đặt từ lâu và chờ ngày đến đốn nữa thôi”.

Anh Nguyễn Văn Tâm - một thợ chuyên săn đào quê - cho biết chơi đào ta ngày Tết có cái hay riêng, đó là phong cách Việt nhiều hơn, phóng khoáng và cũng rẻ tiền.

Những ngày cận Tết này, hàng trăm chuyến xe về xuôi mang theo hàng ngàn cành đào quê về phố. Dọc hai bên quốc lộ 48, tỉnh lộ 532 từ xã Nghĩa Thuận tới xã vùng sâu xã Châu Hồng chỗ nào cũng nhan nhản đào quê được xếp và bốc lên xe chở về thành phố Vinh.

Khách chơi xuân “săn” đào ngoại - 4

Đào vườn ở xứ Nghệ được người dân ưa chuộng.
Khách chơi xuân “săn” đào ngoại - 5
Đào vườn được bày bán bên Quốc lộ 48.

Khách chơi xuân “săn” đào ngoại - 6

Người đi đường và du khách từ miền xuôi tụ tập mua đào vườn tại xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa.

Khách chơi xuân “săn” đào ngoại - 7
Tranh thủ cho đào lên xe thùng...
 
Quốc Đô - Anh Thế - Nguyễn Duy
Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011