DNews

Khách bỏ về vì bị dời chuyến bay ở Tân Sơn Nhất

Thư Trần

(Dân trí) - Hành khách bị động vì lịch trình bay bất ngờ thay đổi vào phút chót, có trường hợp phải tay xách nách mang hành lý, quà cáp trở về nhà để nghỉ ngơi bất đắc dĩ chờ giờ khởi hành "mới".

Khách bỏ về vì bị dời chuyến bay ở Tân Sơn Nhất

"Mẹ ơi, lịch bay lại dời rồi…"

Hai đứa trẻ ngừng chơi game, mặt tiu nghỉu đưa dòng tin nhắn thông báo qua điện thoại cho chị Nguyễn Thu Hồng (46 tuổi, ngụ quận 3). Chỉ hơn 1,5 giờ trước (ngày 2/2 nhằm 23 tháng Chạp), gia đình chị Hồng đã rất yên tâm vì cách vài chục phút nữa sẽ lên đến cửa chờ máy bay. Thế nhưng, kế hoạch đón Tết của nhà chị phải chậm hơn 5 giờ do hãng Bamboo bất ngờ chuyển lịch. 

Tại Tân Sơn Nhất, gia đình chị Hồng không phải trường hợp duy nhất. Nhìn lại mùa hè năm 2023 vừa qua, hàng nghìn hành khách tại đây cũng bất lực nhận thông báo chậm chuyến khi chỉ còn cách 30 phút khởi hành. Thậm chí, hành khách phải chật vật trong 3 ngày liên tiếp bởi sự cố kỹ thuật, hơn 250 chuyến bay đứt gãy dây chuyền gây bức xúc leo thang hồi tháng 6/2022.

Sau rất nhiều nỗ lực của ngành hàng không, Tân Sơn Nhất vẫn nhận không ít phàn nàn vì hạ tầng ga quốc nội ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế.

Đến sân bay rồi lại phải về

Lên kế hoạch về quê đón Tết ở Tuy Hòa (Phú Yên), gia đình 4 người của chị Hồng đã chuẩn bị vé khứ hồi từ 2 tháng trước (cuối năm 2023). Nhưng cách vài hôm trước ngày bay, hãng đã liên tục thông báo đổi chuyến. Và khi chỉ còn chưa đến một giờ, chuyến bay lần nữa bị dời lại. 

Lịch bay bị chậm 5 giờ, gia đình chị Hồng quyết định lần nữa khệ nệ hành lý, quà cáp lên taxi về lại nhà để nghỉ ngơi, chờ cận giờ quay lại. 

"Rất bất tiện vì kế hoạch bị xáo trộn, gia đình tôi phải đi về 3 chuyến trong ngày chỉ vì giờ bay bị đổi, chưa kể đến hành lý nhiều rất phiền hà", chị Nguyễn Thu Hồng nói.

Trường hợp tương tự, chị Minh Anh (38 tuổi, ngụ Bình Tân) cũng bất ngờ khi vài ngày qua hãng bay liên tục thông báo đổi giờ. Chuyến bay của Vietnam Airlines chị Minh Anh đặt theo kế hoạch sẽ khởi hành từ Tân Sơn Nhất lúc 19h20 ngày 28 tháng Chạp (7/2), đến Vinh sau khoảng 1 giờ 30 phút. Tuy nhiên, chị nhận thông báo từ hãng lịch trình sẽ dời lại sớm hơn, vào lúc 14h cùng ngày với "lý do khai thác".

"Tôi đã tính toán thời gian kết thúc công việc vào buổi trưa rồi chuẩn bị chuyến bay cho kỳ nghỉ dài, tuy nhiên phải xin nghỉ gấp vì lịch bay bị đẩy lên sớm hơn", chị Minh Anh cho hay.

Khách bỏ về vì bị dời chuyến bay ở Tân Sơn Nhất - 1

Khu vực chờ lấy hành lý tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Thùy Minh).

Chọn hãng Vietjet Air, Nguyễn Bảo Vy (27 tuổi, An Giang) cũng mất kiên nhẫn sau 3 lần chậm chuyến TPHCM - Đà Nẵng. Cô cho biết sau 5 giờ ngồi xe khách từ An Giang đến TPHCM, cô vội vã lên taxi đón xe đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 13h. Thế nhưng sau hàng giờ ngồi ở băng ghế, Vy bực dọc nhận từng đợt tin nhắn báo dời chuyến.

Tân Sơn Nhất hiện là cảng hàng không lớn nhất Việt Nam với tần suất cất/hạ cánh xấp xỉ 260.000 lượt. Sản lượng hành khách thông qua cảng đến cuối năm 2023 đạt 42 triệu lượt, gấp 1,5 công suất thiết kế ban đầu.

Vào dịp lễ, sân bay này đón trung bình 90-100.000 lượt khách mỗi ngày. Cuối tuần, lượng khách có thể tăng lên hơn 130.000 lượt. Đặc biệt, trong cao điểm Tết Nguyên đán 2024, sản lượng khai thác trung bình lên đến gần 150.000 hành khách/ngày. Quầy check-in của các hãng bay luôn trong tình trạng bận rộn, một số hãng phải tăng cường nhân sự vì không kịp hướng dẫn hành khách.

Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật hiện hữu tại sân bay Tân Sơn Nhất chưa đồng bộ, các hệ thống thông tin chuyến bay được các bên liên quan tự phát triển nội bộ, dẫn đến việc chia sẻ thông tin giữa các đơn vị gặp hạn chế. Hệ thống điều hành bay ATM tại khu vực phía Nam cũng chưa được trang bị AMAN/DMAN (hệ thống quản lý tàu bay đến/tàu bay khởi hành) dẫn đến việc sắp xếp lập kế hoạch thứ tự đến đi tại cảng chưa được thực hiện.

Công ty du lịch cũng đau đầu

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel & Events, cho hay không chỉ riêng hành khách, các công ty du lịch cũng gặp nhiều khó khăn khi sân bay quá tải.

Ông Toản cho biết những hành khách khi mua tour đôi khi không hình dung được tình trạng đông đúc ở sân bay. Khi đến nơi, chứng kiến sân bay đông nghịt mới bày tỏ sự thất vọng vì phải chờ đợi lâu. Để tránh tình trạng khách trễ chuyến bay, hướng dẫn viên thường hẹn khách trước 3 tiếng.

Điều ông Toản chưa hài lòng là việc check-in online để tiết kiệm thời gian chờ đợi lẽ ra phải hoàn thiện từ lâu ở một đất nước có thể mua công nghệ giá rẻ như Việt Nam. Thế nhưng ngược lại, thủ tục này vẫn chưa cho thấy sự cải tiến.

"Đây là vấn đề chung của nhiều khu vực trên thế giới, bùng nổ du lịch nội vùng, yếu du lịch quốc tế, thiếu nhân lực hậu Covid-19", ông Toản lý giải.

Khách bỏ về vì bị dời chuyến bay ở Tân Sơn Nhất - 2

Sản lượng khách trong nước, đặc biệt là quốc tế hồi phục mạnh trở lại từ giữa năm 2023 (Ảnh: Thùy Minh).

Trên thực tế, sau 2 năm dịch vừa qua, ngành hàng không thế giới từng khuyến khích nhân sự nghỉ việc, thậm chí sa thải hàng loạt để cắt giảm chi phí. Nhưng hiện tại, nhu cầu đi lại và du lịch dần hồi phục, ngành này lại phải chạy đua để tuyển lao động.

Tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng từ phi công đến tiếp viên hàng không, nhân viên mặt đất dẫn đến quá tải phục vụ hành khách diễn ra ở hàng loạt sân bay từ châu Âu sang châu Mỹ và cả châu Á. Các cuộc khủng hoảng thu hút sự chú ý vào năm ngoái đã khiến hàng trăm nghìn du khách rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Khách bỏ về vì bị dời chuyến bay ở Tân Sơn Nhất - 3

Khách tự làm thủ tục tại các ki-ốt tự phục vụ của Southwest Airlines - sân bay Midway của Chicago do sự cố khiến loạt chuyến bay bị hoãn (Ảnh: The Portland Press Herald).

Theo Bloomberg, tình trạng gián đoạn và hỗn loạn liên tục diễn ra vào giữa mùa hè 2022 ở Sydney, Ấn Độ đến châu Âu và kỳ nghỉ xuân 2023 ở Mỹ. Các khách bay phải chờ hàng giờ để làm thủ tục. Điển hình là hãng Deutsche Lufthansa AG từng hủy hàng trăm chuyến bay.

Tương tự, hàng loạt sân bay như Manchester (Anh), Dublin (Ireland) hay Schiphol (Hà Lan)… cũng ghi nhận tình trạng người dân xếp hàng dài chờ check-in, vali chất đống.

Trích dữ liệu theo dõi hành trình bay của FlightAware, hãng Southwest Airlines đã hủy hơn 16.000 chuyến bay vào dịp Giáng sinh năm 2022 và hơn nửa triệu chuyến bay bị hoãn trên toàn quốc vào mùa hè cùng năm. Lỗi công nghệ, thiếu hụt nhân lực tại các hãng hàng không, sân bay và kiểm soát không lưu đều là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Kỳ vọng "chiếc đũa thần" A-CDM

Sau gần 3 năm khảo sát, tháng 11/2023, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thiết bị, phần mềm triển khai mô hình cơ sở dữ liệu hoạt động của sân bay (AODB - Airport Operational Database); đồng thời phối hợp ra quyết định khai thác (A-CDM - Airport Collaborative Decision Making).

AODB và A-CDM là hai thuật ngữ chuyên ngành, chỉ các hoạt động điều phối, vận hành tại các sân bay lớn nhất thế giới. Mô hình A-CDM có ý nghĩa quan trọng trong vận hành khai thác tại sân bay, đặc biệt là công nghệ này có điểm "rơi" đúng vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán tại Việt Nam.

Hiện nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị chủ quản quản lý 21 cảng hàng không, trong đó sân bay Tân Sơn Nhất liên tục hoạt động trong tình trạng quá tải công suất khai thác, khiến xảy ra ùn ứ cục bộ, gây bất tiện cho hành khách dịp cao điểm lễ, Tết.

Khách bỏ về vì bị dời chuyến bay ở Tân Sơn Nhất - 4

Thử nghiệm mô hình phối hợp ra quyết định (A-CDM) tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất (Ảnh: Minh Quang).

Sau khi triển khai, A-CDM sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay, cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ, giảm thiểu các kế hoạch phân bổ vị trí đỗ, quầy check-in, gate; tối ưu thời gian quay đầu của tàu bay, cải thiện khả năng dự báo tình huống và tiết kiệm thời gian bay, giảm thiểu tắc nghẽn trên đường lăn, sân đỗ; tối ưu thứ tự khởi hành, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả vận chuyển...

Ông Nguyễn Công Hoàn, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết, nhờ ứng dụng A-CDM, khách hàng sẽ được trải nghiệm những chuyến bay có tỷ lệ đúng giờ cao, hạn chế những tình huống bay vòng để chờ hạ cánh, giảm thiểu các tình huống tàu bay dừng chờ lâu trên đường băng. Công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay cũng được phục vụ tốt hơn, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán 2024.

Việc trở thành sân bay phối hợp ra quyết định (A-CDM) là một trong những cột mốc lớn của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, phù hợp xu thế chung của các sân bay lớn như: Amsterdam, Barcelona, Berlin, Brussels, Frankfurt, Geneva, London Heathrow, Munich, Naples, Paris CDG. Tại Châu Á cũng có khoảng 19 sân bay triển khai A-CDM thành công như Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Thượng Hải, Bắc Kinh, Hong Kong (Trung Quốc), Suvarnabhumi (Thái Lan), sắp tới là các sân bay tại Malaysia và Philippines.