Khả năng hình thành bão số 1 trên Biển Đông, mưa dông diện rộng

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trên Biển Đông đang có một vùng áp thấp hoạt động, dự báo sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và sau đó mạnh thành bão. Do tác động của hình thế thời tiết này, nhiều nơi trên đất liền sẽ có mưa dông.

Sáng nay (28/6), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Hưởng  - Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) - cho biết, chiều qua (27/6), một vùng áp thấp đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) và sáng nay (28/6) đã đi vào Biển Đông, đang có xu hướng mạnh lên. Dự báo khoảng đêm nay và ngày mai, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Khả năng hình thành bão số 1 trên Biển Đông, mưa dông diện rộng - 1

Ông Nguyễn Văn Hưởng  - Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) trao đổi với phóng viên Dân trí. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Vùng áp thấp/áp thấp này có xu hướng dịch chuyển về phía Tây và Tây Bắc, do đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Bắc và Giữa Biển Đông của nước ta", ông Hưởng nói.

Ông Hưởng cho biết, đây là vùng áp thấp đầu tiên của mùa mưa bão năm 2022, khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rất cao, với tỷ lệ 80-90%. Thông tin cơ quan khí tượng mới thu thập được đã ra nhận định, khoảng 50-70% áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão.

Về tác động của áp thấp nhiệt đới, trên biển sẽ gây ra gió mạnh trên khắp khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa). Theo diễn biến, cường độ mạnh lên từ vùng áp thấp lên áp thấp nhiệt đới  và áp thấp lên thành bão sẽ tăng dần cấp độ gió ở các vùng biển Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả khu vực Quần đảo Hoàng Sa).

"Theo nhận định của chúng tôi, từ đêm nay khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông. Những ngày tiếp theo sẽ hình thành một dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn áp thấp nhiệt đới/bão này và sẽ gây ra đợt mưa rào và dông diện rộng, thậm chí mưa to trong thời gian từ nay đến ngày đầu tháng 7. Thông tin về mưa chúng tôi sẽ liên tục cập nhật tại các bản tin tiếp theo", ông Hưởng thông tin thêm.

Về khả năng cơn bão sắp hình thành di chuyển vào đất liền Việt Nam, ông Hưởng cho biết, hiện nay mới chỉ là vùng áp thấp có khả năng mạnh lên, cơ quan khí tượng vẫn đang tiếp tục theo dõi và sẽ có sự điều chỉnh thông tin về diễn biến.

Trở lại vấn đề nắng nóng đang diễn ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ, Trưởng phòng Dự báo khí hậu thông tin, từ đêm nay Bắc Bộ có mưa, sang ngày mai nắng nóng ở Bắc Bộ cơ bản kết thúc.

Còn tại Trung Bộ, ngày mai nắng nóng vẫn duy trì từ Thanh Hóa vào đến các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, nhưng với cường độ không quá gay gắt. Nhiệt độ ở khu vực Trung Bộ ngày mai dao động khoảng 35-37 độ, vùng núi phía Tây có nơi vẫn trên 38 độ.

Sang đến ngày 30/6, khi có tác động dải hội tụ nhiệt đới, vùng áp thấp nóng gây ra hiện tượng nóng ở Trung Bộ suy yếu, nắng nóng ở khu vực này sẽ giảm và khả năng kết thúc vào ngày đầu tháng 7. 

Về dự báo xa, trong tháng 7/2022, theo đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn, ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung vẫn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng. Tuy nhiên, khu vực này sẽ không xuất hiện những đợt nóng quá gay gắt; mức nhiệt ở Bắc Bộ dự báo dao động từ 35-37 độ, ở Trung Bộ phổ biến từ 36-38 độ, nhưng vùng núi phía Tây ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị - nơi có tác động của gió Phơn nhiệt độ cục bộ khả năng sẽ cao hơn mức phổ biến 1-2 độ.

Theo Trung tâm Dự  báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 28/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,5-15,5 độ Vĩ Bắc; 117,5-118,5 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 750km về phía Đông Đông Nam.

Khả năng hình thành bão số 1 trên Biển Đông, mưa dông diện rộng - 2

Vị trí và hướng di chuyển của vùng áp thấp. (Ảnh: NCHMF).

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7h ngày 29/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.