1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kêu gọi xã hội hóa để xây dựng tượng đài Hùng Vương

(Dân trí) - Ngày 5/1, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cuộc thi phác thảo lấy mẫu tượng đài Hùng Vương cho biết: Tỉnh sẽ làm việc với cơ quan trung ương để thẩm định, lựa chọn mẫu để triển khai thực hiện. Ngay sau khi có phương án chính thức, tỉnh Phú Thọ sẽ kêu gọi xã hội hóa để xây dựng tượng đài Hùng Vương.


Trưng bày các mẫu tượng đài Hùng Vương để lấy ý kiến nhân dân. (Ảnh: VietNamnet)

Trưng bày các mẫu tượng đài Hùng Vương để lấy ý kiến nhân dân. (Ảnh: VietNamnet)

Ban tổ chức cuộc thi tuyển “Sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương” cho biết: Từ 21 phương án, tác phẩm gửi đến dự thi, sau 3 lần bỏ phiếu bầu chọn Hội đồng nghệ thuật đã thống nhất đưa ra 3 phương án, tác phẩm tiêu biểu được vào vòng 2. Tỉnh Phú Thọ lựa chọn 2 mẫu tượng đài Hùng Vương được Hội đồng nghệ thuật cuộc thi lựa chọn. Đó là phương án HV-01 của Công ty TNHH xây dựng Mỹ thuật Hà Nội; phương án HV-03 của nhóm tác giả Phạm Xuân Khánh.

Tiếp đó, mẫu phác thảo của 2 phương án này đã được trưng bày để lấy ý kiến đánh giá của nhân dân, du khách trong 30 ngày. Đã có 9.991 phiếu bình chọn cho các phương án. Trong đó phương án 1 đạt 8.213 phiếu bình chọn (82,2%); phương án HV-03 đạt 1.061 phiếu bình chọn (10,62%).

Tỉnh Phú Thọ cũng đã phát 65 phiếu lấy ý kiến của Ban chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành thì phương án HV-01 được 32 phiếu (49,23%), HV-03 được 28 phiếu (43,08%). Có 9/11 thành viên Hội đồng nghệ thuật bình chọn cho phương án HV-01; phương án HV-03 được 8/9 phiếu…

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thành viên Hội đồng Nghệ thuật cho biết: Các mẫu phác thảo đều có thiện cảm, về tạo hình đều gửi gắm ý tưởng và tinh thần của nhân vật vào dáng đứng và đôi tay…

Cuộc thi tuyển “Sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương” tại Khu di tích lịch sử đền Hùng góp phần thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công đức đối với tổ tiên; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó cộng đồng cho các thế hệ người Việt Nam, bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam văn minh, phát triển…

Ban tổ chức yêu cầu các bài dự thi phác thảo tượng đài Hùng Vương phải là hình ảnh được đúc kết cô đọng, phản ánh trí tuệ, nhân cách và ý chí kiên cường của tổ tiên trong thời kỳ dựng nước. Tượng phải thể hiện được sức mạnh tinh thần của nhân vật, đạt tới hình thái biểu tượng anh hùng dựng nước, người khai phá, đặt nền tảng và dựng xây đất nước. Đó là hình ảnh có tính đại diện, là ước vọng vươn lên hướng tới những giá trị nhân văn tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam.

Về mỹ thuật, tượng đài Hùng Vương phải có chất liệu bền vững, là công trình có tính hình tượng đặc trưng. Tượng Hùng Vương phải bề thế, hình khối chắc khỏe, phù hợp với không gian xung quanh, tạo được vẻ sống động, lột tả được thần thái, khí phách của nhân vật. Tượng phải gây được cảm xúc cần tôn trọng tính xác thực về tỷ lệ cơ thể có liên quan đến nhân chủng học, tính xác thực về trang phục thông qua tư liệu khoa học, lịch sử…

Thanh Giang
TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm