1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kết quả lấy phiếu thấp, nếu không từ chức sẽ bỏ phiếu tín nhiệm

(Dân trí) - Đây là nội dung mới được cập nhật trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại hội nghị đại biểu chuyên trách ngày 8/9.

Trước đó, dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi chỉ có nội dung quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm, không đề cập vấn đề lấy phiếu. Trong quá trình thảo luận về việc sửa Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm cũng có nhiều ý kiến đề xuất luật hoá quy định đối với việc này.

Bổ sung một điều quy định riêng về lấy phiếu tín nhiệm lần này, dự thảo luật thể hiện, người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì UB Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Còn thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm đối với người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội quy định trong một văn bản khác.

Đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm, Điều 70 dự thảo luật quy định, đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, chủ thể có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm và việc từ chức.

Theo đó, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm có thể từ chức. Trong trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu thấp, Bộ trưởng không từ chức sẽ chuyển bỏ phiếu tín nhiệm

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá việc bổ sung quy định về lấy phiếu tín nhiệm vào luật Tổ chức Quốc hội là điểm mới. Tuy nhiên, điều luật cụ thể vẫn chưa rõ thể hiện rõ cách thức làm sao để thực hiện việc lấy phiếu, bỏ phiếu đúng với nguyện vọng của đại biểu.

Bà Khánh đề xuất thiết kế lại Điều 33, quy định thêm việc định kỳ hàng năm Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đến các đại biểu Quốc hội vào đầu kỳ họp (giống như lấy phiếu xin ý kiến về việc chọn người trả lời chất vấn) xem đại biểu muốn tổ chức lấy phiếu với chức danh nào, bỏ phiếu Bộ trưởng nào.

“Không có thao tác này thì chúng tôi ko biết thể hiện ý kiến mình thế nào, không lẽ tự các đại biểu lại đi vận động nhau để đưa chức danh nào ra bỏ phiếu?” – bà Khánh trình bày.

Cùng băn khoăn này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nêu thực tế, quy định về bỏ phiếu tín nhiệm hiện luật đã quy định nhưng không đưa vào thực tế. Thực tế chưa có kiến nghị nào bằng văn bản của đại biểu cũng như UB Thường vụ Quốc hội cũng chưa lần nào báo cáo Quốc hội là có ai kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm ai hay không.

Ông Hùng cho rằng cần xem lại quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm khi có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội. Quy định cần ít nhất 20% tổng số đại biểu, theo ông Hùng, chắc cũng không thể xảy ra. Ông Hùng đề nghị gộp hai điều 13 quy định về lấy phiếu tín nhiệm và và điều 14 về bỏ phiếu tín nhiệm làm một điều và nên đơn giản hóa việc lấy phiếu tín nhiệm.

Phó Chủ nhiệm UB Các Vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng (đại biểu Thái Nguyên) cũng nhận xét. Điều 13 không giải quyết được hai vấn đề mà đại biểu rất quan tâm, là mức tín nhiệm và số lần lấy phiếu. Ông Hùng cảnh báo, việc lấy phiếu quy định như dự thảo luật cũng khó thực hiện, cần phải cụ thể hơn về thời hạn, thời điểm và cách thức lấy phiếu tín nhiệm Quốc hội sẽ quy định.

Tiêu chuẩn đại biểu không khác công chức

Một nội dung khác còn nhiều băn khoăn là quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội vẫn giống tiêu chuẩn của công chức. Trong khi đặc thù của đại biểu phải tận tụy và gắn với tâm tư nguyện vọng của cử tri.

“Đại biểu Quốc hội phải thực sự có tư duy phản biện độc lập và vô tư để tránh bị tác động mất tính khách quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, phản biện chính sách, trong những cuộc thảo luận cũng phải có ý kiến mạnh mẽ và phải tránh lợi ích nhóm” - ông Đương góp ý.

Để có năng lực nhất định về giám sát và lập pháp, nhất là đại biểu chuyên trách, ông Đương cho rằng cần thiết kế lại theo hướng đại biểu chuyên trách ít nhất phải là chuyên viên cao cấp và có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động chuyên trách.

Phải quy định đại biểu chuyên trách dành ít nhất là 1/3 thời gian làm công tác tiếp dân và tiếp xúc cử tri, chứ suốt ngày ngồi trên cao thế này làm sao mà đại diện cho nhân dân được, ông Đương phát biểu.

Ông Đương không tán thành hướng đề xuất nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40% thay vì mức 30% hiện nay.

Ngược lại, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) lại khuyến nghị thay đổi mạnh mẽ, đưa tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 50% mới đủ đảm bảo chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị đưa tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm lên đầu tiên trong 4 tiêu chuẩn tại dự thảo luật.

Đại biểu Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp) lập luận, nếu thiết kế chung chung như dự thảo luật thì khó chọn đại biểu đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Phẩm chất liên quan đến cán bộ giống nhau, vấn đề là trình độ và năng lực, cần quy định rõ hơn trình độ đào tạo và thời gian hoạt động thực tiễn của đại biểu Quốc hội, bà Nga góp ý.

P.Thảo