1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kết luận thanh tra phải được công khai như thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn theo quy định của pháp luật, trừ nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa ký ban hành Thông tư 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11 sắp tới), trong đó nhận mạnh kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn theo quy định của pháp luật, trừ nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc công bố kết luận thanh.

Việc công khai kết luận thanh tra theo hình thức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 của Luật Thanh tra phải được lập biên bản.

Kết luận thanh tra phải được công khai như thế nào? - 1

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây (Ảnh: TTCP).

Ngoài ra, người ra quyết định thanh tra phải thực hiện một trong các hình thức công khai sau:

Thông báo trên ít nhất một trong các phương tiện thông tin đại chúng, gồm báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử; thời gian thông báo trên báo nói, báo hình ít nhất 2 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất một số phát hành; trên báo điện tử ít nhất là 5 ngày liên tục.

Thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ít nhất là 5 ngày liên tục.

Niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra trong thời gian ít nhất là 15 ngày liên tục.

Điều 24 Thông tư 06 quy định, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải xử phạt vi phạm hành chính thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp sai phạm của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì trưởng đoàn thanh tra kiến nghị người ra quyết định thanh tra hoặc thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc chuyển và bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra phải được lập thành văn bản.

Các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra

Theo Thông tư 06, người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia đoàn thanh tra: Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra

Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm bị xử lý theo quy định mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích…

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

Trong quá trình thanh tra, nếu nhận thấy mình thuộc một trong các trường hợp quy định nêu trên thì thành viên đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.