Hà Nội:
Kết luận nguyên nhân vụ sập dầm cầu Thanh Trì
(Dân trí) - Theo GS. TSKH Lê Văn Thưởng, thành viên Hội đồng nghiệm thu nhà nước, lý do xảy sự cố sập dầm cầu Thanh Trì là do nhà thầu thi công không đúng quy trình dẫn đến không đảm bảo liên kết, gây mất ổn định vị trí các thanh dầm.
Việc thi công dầm cầu Thanh Trì đã không đảm bảo quy trình.
Chiều tối ngày 22/4, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã có cuộc họp với đại diện Bộ GTVT, BQL dự án Thăng Long, tư vấn giám sát và đại diện nhà thầu. Tại cuộc họp, các bên đã thống nhất lý do xảy ra sự cố là do công tác thi công không đảm bảo quy trình.
Cụ thể, do việc gác thanh dầm lên các gối cao su ở trụ cầu không đảm bảo độ chính xác gây nên biến dạng không đều. Chính việc gối cao su bị lún không đều khiến thanh dầm số 4 (tính từ ngoài vào) bị nghiêng từ từ và đến lúc nghiêng quá thì bị đổ gây hiệu ứng domino.
Trao đổi với Dân trí, GS. TSKH Lê Văn Thưởng nói: nguyên nhân cũng do các thanh chống thanh dầm không đảm bảo chất lượng, thanh giằng ngang thì không được hàn để liên kết với nhau.
Tại sao các gối cao su có thể biến dạng khi thanh dầm mới được gác lên có vài tháng?
Cũng có thể đặt ra dấu hỏi về chất lượng của gối cao su nhưng theo tôi, chính vì việc thiếu liên kết các thanh giằng ngang đã gây nên sự phân bổ tải trọng bị lệch.
Nếu đặt dầm đúng tâm gối thì gối cao su sẽ biến dạng đều. Rất tiếc, dầm lại bị đặt lệch, một bên chịu lực quá tải sẽ làm gối biến dạng không đều, tạo độ nghiêng từ từ gây đổ dầm.
Vậy còn vai trò của người thi công trong quá trình thao tác?
Đặc điểm ở công trình này là có 3 đơn vị làm công tác thi công, một đơn vị đúc dầm, 1 đơn vị cầu dầm đặt lên trụ và một đơn vị làm chống đỡ và thanh giằng ngang.
Do thiếu sót của nhà thầu thi công, trong khi thanh chống xiên, thanh giằng ngang chưa làm thì dầm đã được đặt lên đó từ trước Tết rồi. Điều này làm thanh dầm nghiêng, đổ theo hiệu ứng domino.
Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, các thanh chống đỡ dầm chỉ là các cây gỗ nhỏ?
Qua xem xét hiện trường, tôi bảo với bên thi công là: “Các ông làm không bằng nông dân làm”. Các thanh chống xiên phải là những thanh chắc chắn chứ không phải là những thanh củi lấy từ thân cây bạch đàn bé như thế. Và nếu ngay từ ban đầu được chống đỡ rồi thì còn đỡ, đằng này dầm rơi rồi mới gá vào như thế, đó là thiếu sót của nhà thầu.
Theo ông, sau sự cố này, các đơn vị thi công, giám sát có thể rút ra bài học gì cho riêng mình?
Đó là bài học tổ chức thi công, giám sát, điều hành phải có tầm nhìn, phối hợp chính xác, nhịp nhàng.
Qua sự cố này, trách nhiệm thuộc về bên nào, thưa ông?
Trách nhiệm trên hết thuộc về nhà thầu thi công.
Xin cám ơn ông!
Phúc Hưng