1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo cáo Thủ tướng về sự cố nhịp dẫn cầu Thanh Trì

(Dân trí) - Trao đổi với <i>Dân trí</i>, ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT) cho biết hiện đang làm văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố vừa xảy ra tại cầu Thanh Trì.

Ông Trần Quốc Việt cho biết hiện Cục đang kết hợp cùng các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, xem xét việc đảm bảo chất lượng trong quá trình thi công để từ đó đưa ra nguyên nhân gây ra sự cố sập nhịp dẫn cầu thuộc dự án cầu Thanh Trì. “Cục chỉ đưa ra đánh giá của mình khi nguyên nhân đã được làm rõ. Cục đang tập hợp thông tin từ hiện trường, Ban QLDA Thăng Long và đơn vị thi công để làm văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Việt nói.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 19/4, ông Phạm Thanh Bình (Phó Tổng Giám đốc PMU Thăng Long) nhận định, sự cố sập nhịp dẫn có thể do lỗi thi công. “Có thể các thanh gỗ chống dầm liên kết ngang mà nhà thầu sử dụng không đảm bảo tiêu chuẩn, thanh chống dầm và các mối nối cao su đã không được đặt đúng trọng tâm”, ông Bình nói.

 

Cũng theo ông Bình, sau khi sự cố xảy ra, đơn vị này đã kiểm tra dầm cầu trên toàn tuyến và phát hiện thêm 1 số vị trí không đảm bảo và đã khắc phục ngay. “Đã trên dưới 10 lần Ban quản lý Thăng Long và Tư vấn giám sát nhắc nhở về các lỗi vi phạm trong quá trình thi công công trình cầu cạn này”, ông Bình cung cấp thông tin.
 
Châu Như Quỳnh
Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, hiện có ý kiến cho rằng chính các thanh chống bằng gỗ được sử dụng làm công cụ chống giữa thanh dầm với trụ cầu là nguyên nhân sự cố. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Ý, giám đốc công ty cầu 7 (Tổng công ty xây dựng Thăng Long) khẳng định, phương án chống đỡ các thanh dầm tuân thủ đúng phê duyệt trong bản thiết kế.

Còn ông Trần Quốc Việt thì cho rằng, cần có thêm thời gian xem xét và đối chiếu chỉ dẫn kỹ thuật của Cục quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông với nhà thầu để làm rõ việc này. “Việc đưa ra bất kỳ  nhận định nào vào thời điểm này đều là vội vàng”, ông Việt nhấn mạnh.
Ngày 19/4, Phòng PC15 (CATP Hà Nội) kết hợp cùng Phòng Kỹ thuật hình sự, CA quận Hoàng Mai, Viện KSND TP, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty cầu 7 Thăng Long và đại diện nhà thầu chính - liên danh Tổng công ty xây dựng cầu Thăng Long và Sumitomo (Nhật Bản) đã tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ sập 4 thanh dầm nhịp dẫn. Tại hiện trường, 4 thanh dầm bị gãy nối 2 trụ 73, 74 có chiều dài 33m, cao 1,65m, rộng 65cm thuộc làn bên trái. Sau khi gác lên, các thanh dầm được chống đỡ bằng một số thanh gỗ tại hai đầu trụ,  giữa các thanh dầm còn có sự liên kết với nhau bởi một số thanh thép nhỏ.
Ảnh hiện trường vụ sập dầm cầu Thanh Trì

Báo cáo Thủ tướng về sự cố nhịp dẫn cầu Thanh Trì - 1


Báo cáo Thủ tướng về sự cố nhịp dẫn cầu Thanh Trì - 2

Sau khi gác lên, các thanh dầm được định vị và chống đỡ bằng một số thanh gỗ

Báo cáo Thủ tướng về sự cố nhịp dẫn cầu Thanh Trì - 3

Vết nứt gãy trơ cả lõi thép
Báo cáo Thủ tướng về sự cố nhịp dẫn cầu Thanh Trì - 4

Cơ quan chức năng điều tra, xác định nguyên nhân sự cố

 Phúc Hưng