Kẹt đèo liên miên vì nổ mìn
Mỗi khi đi qua đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), khách du lịch, người dân, tài xế đều rất bức xúc vì tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên trên đèo; chưa kể nỗi thất kinh mỗi khi có một tảng đá bất thình lình lăn ngay trước xe…
Với quãng đường chỉ khoảng 10km, nhưng hiện nay muốn qua đèo hành khách mất từ 2 - 3 tiếng, nhiều khi phải đợi 4 đến 6 tiếng. “Tình trạng kẹt xe lặp đi lặp lại mỗi ngày như cơm bữa gần một năm nay”, anh Sinh nhà ở thị trấn Madagui (huyện Đạ Hoai), nói.
Qua được đèo thì tiệc đã tàn
Cảnh thường thấy trên đèo Bảo Lộc
Chị Hạnh Dung ở TPHCM lên Đà Lạt du lịch than thở: “Nhà tui đăng ký đi du lịch có ba ngày, vậy mà phải kẹt ở đèo mất 5 - 6 tiếng. Như vậy từ thành phố lên đến Đà Lạt mất hơn 12 tiếng. Mệt mỏi quá, lên đến nơi còn chơi được gì nữa chứ. Đó là chưa kể lúc về còn kẹt nữa. Nghĩ tới mà ngán”. Một số công ty du lịch cho biết, thời gian gần đây khách ít chọn Đà Lạt làm điểm du lịch vì “rất sợ mỗi khi đi ngang đèo Bảo Lộc”.
Không chỉ du lịch, việc vận chuyển hàng hoá, nông sản, hoa từ Đà Lạt về TPHCM và các tỉnh khác cũng bị ảnh hưởng do kẹt đèo. Một số tài xế xe tải cho hay, do thường bị kẹt ở đèo 4 - 5 tiếng nên xuống tới TPHCM thì hàng không hư thì cũng giảm chất lượng, bán không được giá. Người dân tại địa phương cũng chung số phận.
“Bạn tôi ở thị trấn Madagui mời dự đám cưới lúc 11h, 9h tui đã chạy xe máy xuống ai dè gặp kẹt xe nên khi tới nơi thì tiệc đã tan”, anh Tùng, nhà ở thị xã Bảo Lộc kể. Do kẹt đèo kéo dài, sáng ngày 22/10 vừa qua, một xe cứu thương của bệnh viện 2 - Lâm Đồng, khi đi tiếp nhận máu cứu trợ tại huyện Đạ Hoai đã phải về xe không do trễ giờ.
Không ít hành khách cho biết khi qua đèo Bảo Lộc nhiều phen hú vía, đứng tim khi chốc chốc lại gặp những tảng đá to đùng lăn xuống ngay trước đầu xe. Chưa hết, với tình trạng sạt lở đất đá nhiều nơi, xe phải chạy sát mép vực. Chính vì quá khiếp sợ nên du khách thay vì ngắm cảnh đèo tuyệt đẹp đành phải nhắm mắt mỗi khi qua những đoạn nguy hiểm. Theo công an thị xã Bảo Lộc, gần đây số vụ va quệt, tai nạn tại khu vực này cũng tăng đáng kể và đã có ít nhất một container bị lật do sạt lở đèo.
Chưa biết bao giờ hết kẹt
Nguyên nhân chính khiến tình trạng kẹt tại đèo Bảo Lộc diễn ra triền miên được giới tài xế xác định là do thi công mở rộng đường đèo này. Cụ thể, từ đầu năm 2008, công ty 7/5 thi công nâng cấp, mở rộng đường đèo Bảo Lộc. Theo kế hoạch, công ty thực hiện “đóng băng” đèo để nổ mìn phá đá 1 tiếng vào buổi sáng (từ 4h30 - 5h30) và buổi trưa (từ 11h30 - 12h30) mỗi ngày. Nhưng trên thực tế, đã hơn nửa năm nay, việc nổ mìn thường diễn ra lâu hơn thời gian quy định.
Mặt khác, việc thi công quá chậm, đất đá của công trình văng tung toé ra đường cộng thêm trời mưa liên tục, xe lưu thông với mật độ cao làm cho nền đường bị hư hại nặng. Ổ voi, ổ gà xuất hiện ngày càng dày đặc làm cho việc lưu thông vốn đã khó, nay càng khó hơn.
Thêm vào đó, nguy cơ sạt lở đá luôn treo lửng trên đầu, vì thế khi vào địa phận đèo, xe nối đuôi nhau thành hàng dài “nhích” từng mét kể cả khi không vướng nổ mìn phá đá. “Trước đây hai xe ngược chiều có thể cùng qua cua một lúc, nay thì chịu. Đoàn xe ở TPHCM đi lên, thì đoàn xe ở Đà Lạt xuống phải chờ hoặc ngược lại”, một tài xế cho biết.
Công an thị xã Bảo Lộc cho hay đã nhiều lần kiến nghị chính quyền, đơn vị thi công có giải pháp giải quyết tình trạng kẹt xe, nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. “Trong khi đó lực lượng công an giao thông lại mỏng, thời gian kẹt xe lại không cố định, nên không thể thường xuyên túc trực tại đèo để phân luồng giao thông”, một cảnh sát giao thông Bảo Lộc thừa nhận.
Ông Nguyễn Văn Chanh, đội trưởng đội cảnh sát giao thông thị xã Bảo Lộc cho rằng đây là đường đi TPHCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ với thời gian nhanh nhất, tiện nhất. Nếu đi vòng qua Phan Thiết, Phan Rang sẽ tăng chi phí vận chuyển, mất thời gian gấp nhiều lần. Hơn nữa, đường qua Phan Thiết lại hẹp và xấu nên không khả thi.
Đã vậy, mới đây, công ty quản lý đường bộ 7/5 (đơn vị trực tiếp thi công công trình) thông báo cho biết sẽ bổ sung thời gian nổ mìn thi công công trình đèo Bảo Lộc nhằm “đẩy nhanh tiến độ thi công công trình”. Tuy nhiên, công ty không nói rõ lộ trình thi công và thời gian hoàn thành công trình. Như vậy, cảnh kẹt đường, kẹt đèo chưa biết bao giờ mới có thể chấm dứt.
Theo Minh Hùng
Sài Gòn tiếp thị