1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Tư pháp:

Tội phạm tham nhũng - Chức vụ càng cao, hình phạt càng tăng nặng

(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, Bộ luật Hình sự sửa đổi đưa ra lấy ý kiến người dân cũng được ủng hộ với những quy định nghiêm khắc hơn với “giặc nội xâm” tham nhũng. Nguyên tắc được bổ sung là với các tội tham nhũng, người giữ chức vụ càng cao, xử phạt càng nặng.

Đăng đàn trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 25/10, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, sau 2 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) một cách nghiêm túc, cơ quan soạn thảo luật đã nhận được tổng số 119 báo cáo của 30 bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 20 cơ quan, tổ chức khác, qua các báo cáo này, có khoảng 7 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý.

 


Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đăng đàn trả lời trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 25/10.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đăng đàn trả lời trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 25/10.

 

Ý kiến của nhân dân rất đa dạng, tham gia ở hầu hết các quy định của dự thảo Bộ luật, trong đó tập trung vào 8 vấn đề trọng tâm mà Chính phủ xin ý kiến nhân dân.

Có 7/8 vấn đề trong số đó đã được đa số ý kiến nhân dân ủng hộ theo phương án của Chính phủ và Quốc hội đề nghị. Có 5 vấn đề được đa số tuyệt đối ủng hộ như việc cần quy định rõ các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự; thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế....

Đặc biệt, việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân được 92% ý kiến tán thành. Hai vấn đề khác tuy không đạt trên 75% ý kiến ủng hộ, nhưng thấp nhất là bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm cũng đạt được 63%.

Nói về một nguyên tắc quan điểm chủ đạo được thể hiện trong quá trình xây dựng Bộ luật sửa đổi lần này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, nếu dự thảo được Quốc hội thông qua, sẽ có rất nhiều đổi mới trong chính sách hình sự của Việt Nam theo quan điểm đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Việc đó cũng để góp phần bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Quan điểm này được thể hiện trong cả các quy định của phần chung tới các quy định về phần riêng các tội phạm cụ thể. Cơ quan soạn thảo thống nhất thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo đó, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 22 tội danh được quy định rõ trong Bộ luật, đồng thời không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội; bổ sung biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Phạm vi áp dụng hình phạt tù cũng được thu hẹp, cùng với xu hướng mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Theo đó có tới gần 1/3 số tội (109/329 tội) có quy định hình phạt chính là phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Trong đó, hướng phạt tiền đối với tội ít nghiêm trọng tăng 33 tội so với quy định hiện hành.

Bộ trưởng Tư pháp cũng đề cập xu hướng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng bỏ hình phạt tử hình đối với 07/22 tội; bổ sung quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên... Điều này phù hợp với quy định mới, rất nhân văn của Hiến pháp mới là “mọi người đều có quyền sống”.

Xu hướng ngược lại, để tăng tính nghiêm trị của pháp luật hình sự, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, dự thảo Bộ luật cũng có những quy định nghiêm khắc hơn, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống một số loại tội phạm – tệ nạn đang được coi là “giặc nội xâm” trong xã hội.

“Với những tội phạm về chức vụ, tội phạm tham nhũng, dự thảo Bộ luật bổ sung nguyên tắc xử lý là người giữ chức vụ có quyền hạn càng cao thì xử phạt càng nặng. Chức vụ cao được coi như một tình tiết tăng nặng khi định khung hình phạt của toà” – Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ luật cũng mở rộng phạm vi xử lý đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ ra cả khu vực ngoài nhà nước; bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm tham nhũng; bổ sung quy định pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ...

Về việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu lý do, thực tiễn vừa qua cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, có vụ việc hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận. Trong khi đó, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại dân sự đã tỏ ra rất bất cập, kém hiệu quả, tính răn đe, phòng ngừa không cao và không bảo đảm được quyền lợi của người bị thiệt hại.

Quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân để bảo đảm sự chính xác, không bỏ lọt tội phạm và sự công bằng trong xử lý hành vi tội phạm. Thực tế, nhiều quyết định quan trọng, trong đó có quyết định dẫn đến hành vi phạm tội, do tập thể do Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông thông qua; nếu chỉ quy trách nhiệm hình sự cho cá nhân thì sẽ không chính xác, bỏ lọt tội phạm.

Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập quốc tế, sẽ là không công bằng khi cùng một vi phạm tương tự như nhau, nếu doanh nghiệp Việt Nam thực hiện ở nước khác thì có thể bị xử lý hình sự, trong khi đó nếu doanh nghiệp nước ngoài thực hiện ở Việt Nam thì chỉ bị xử phạt hành chính.

Nhìn ra thế giới, hiện nay có tới 119 nước quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trong đó có thể kể đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và 06 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Campuchia).

P.Thảo