1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hội An:

Kè Cửa Đại có hoàn thành trước mùa mưa bão?

(Dân trí) - Mùa mưa ở miền Trung đang đến gần, dự án sửa chữa bờ kè Cửa Đại đã bị chậm tiến độ nhưng liệu có kịp hoàn thành những phần việc cuối cùng để đảm bảo cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân và các du du lịch bên trong trước mùa mưa bão năm nay?

Dự án đầu tư xây dựng kè Cửa Đại được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với vốn đầu tư hơn 28 tỉ đồng, xây dựng bờ kè dài 714 m, đoạn từ khách sạn Sunrise đến khách sạn Fusion Alya thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An.

Máy xúc đang triển khai thi công bờ kè cứng Cửa Đại
Máy xúc đang triển khai thi công bờ kè cứng Cửa Đại

Trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư 10 tỉ đồng, nguồn kinh phí còn lại do UBND TP Hội An bố trí. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành dứt điểm trước mùa mưa năm nay, đảm bảo cuộc sống cho gần 500 hộ dân cũng như các khách sạn đang hoạt động, kinh doanh dọc bờ biển Cửa Đại.

Để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, TP Hội An đã giao cho 3 đơn vị thi công cùng lúc. Theo ghi nhận tại hiện trường ngày 26/9, cả 3 khu vực được giao cho các đơn vị thi công vẫn còn ngổn ngang, nhiều điểm đang còn đổ bê tông, rải đá dăm, lắp ghép các tấm bê tông cũ và mới vênh nhau, có nhiều tấm bê tông cũ bị vỡ góc cũng được tận dụng làm kè.

Các công nhân đang tiến hành lát mái kè
Các công nhân đang tiến hành lát mái kè

Ông Nguyễn Long, đại diện Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng TP Hội An cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ do chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão số 5 và 6 vừa qua. “Chúng tôi đúng là trễ mấy ngày nhưng do ảnh hưởng của hai cơn bão nhưng đầu tháng 10 sẽ xong. Thực ra, phần dưới nước thì cơ bản xong, nhưng phần trên khô thì yêu cầu các đơn vị thi công có phương án, sẵn sàng khắc phục những rủi ro”, ông Long nói.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP Hội An cho biết, hiện khối lượng kè đã được thực hiện trên 50%, tuy nhiên những vị trí xung yếu, hư hỏng nặng trong tháng 9 này sẽ thi công hoàn chỉnh những đoạn đó Còn những đoạn chưa đến mức nguy hiểm nếu kịp thì sẽ làm luôn trong mùa đông, còn không kịp thì sẽ có phương án đảm bảo an toàn qua mùa đông này.

Các chuyên gia Hà Lan cùng với lãnh đạo TP Hội An khảo sát bờ biển Cửa Đại
Các chuyên gia Hà Lan cùng với lãnh đạo TP Hội An khảo sát bờ biển Cửa Đại

Đối với toàn tuyến kè biển Cửa Đại, ông Hùng cho biết, trong điều kiện hiện tại, đối với đoạn bờ biển hiện nay chưa có giải pháp xử lý. Trong phương án phòng chống bão lụt 2018 của Hội An cũng đã xác định nhiệm vụ ứng phó tình huống khẩn cấp nếu tình trạng sạt lở xảy ra. Còn để xử lý một cách căn cơ thì hiện nay đã vượt khỏi nguồn lực của Hội An.

Bờ biển Cửa Đại Hội An dài khoảng 8km, mỗi năm thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, biển xâm thực vào đất liền từ 10-15m, với chiều dài khoảng 2km, đe dọa cuộc sống người dân và phá hủy nhiều công trình công cộng, khách sạn ven biển.

Khẩn trương thi công bờ biển Cửa Đại

Ngày 26/9, các chuyên gia Hà Lan đã có buổi khảo sát những điểm sạt lở tại khu vực Cửa Đại và sau đó làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để để trình bày các phương án bảo vệ bờ biển một cách bền vững. Các chuyên gia cho rằng khi chưa có giải pháp hữu hiệu để tái tạo nguồn cát thiếu hụt do các hoạt động khai thác cát trên sông Thu Bồn và đập thủy điện thì việc đầu tư một số đảo nhân tạo “làm bình phong chắn sóng” cho bờ biển Cửa Đại là phương án khả thi.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho hay, trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng một số đoạn kè bảo vệ khẩn cấp, hạn chế sạt lở, bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền.

Tuy nhiên, do giải pháp công trình khắc phục chưa được nghiên cứu cụ thể, thiếu đồng bộ cộng với kinh phí đầu tư hạn chế nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Ông Hùng cho rằng, bờ biển Cừa Đại gắn liền với Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nên cần thận trọng trong nghiên cứu, đầu tư.

C.Bính