DNews

Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá trút xuống Làng Nủ trong 5 phút

Mỹ Hà

(Dân trí) - Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá sạt lở với tốc độ kinh hoàng trong khoảng 5 phút cho đoạn đường 3,6km, kéo theo khối lượng đất đá khổng lồ đã vùi lấp 37 căn nhà ở Làng Nủ.

Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá trút xuống Làng Nủ trong 5 phút

Thông tin trên vừa được nhóm nghiên cứu đưa ra sáng 2/10, tại Hội thảo "Nguyên nhân thảm họa Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) và giải pháp phòng tránh", do Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên tổ chức.

300 giây cho quãng đường 3,6km

Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá trút xuống Làng Nủ trong 5 phút - 1

Ảnh vệ tinh đoạn sạt lở từ đỉnh núi Voi đến thôn Làng Nủ (Ảnh: Lưu Thị Diêu Chinh phân tích).

Theo PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải, ngay sau khi thảm họa Làng Nủ xảy ra, nhóm đã đến tận nơi nghiên cứu khảo sát.

Tính toán ban đầu, ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá từ đỉnh núi Voi đã sạt xuống trong ngày 10/9, với tốc độ 300m3 trên giây, tương đương khoảng 5 phút cho đoạn sạt dài khoảng 3,6km.

Trên đường đi, dòng lũ bùn đá tiếp tục cuốn theo mọi thứ trên đường làm tăng khối lượng sạt lở khổng lồ, vùi lấp 37 căn nhà, khiến 40 gia đình bị ảnh hưởng.

PGS Lân cho biết, lũ bùn đá thường có 3 phần. Phần thứ nhất là phát sinh trượt lở ban đầu giúp cung cấp vật liệu cho dòng chảy.

Phần thứ hai là dòng chảy chính với kênh dẫn có độ dốc lớn, thường là các khe suối trong điều kiện thông thường.

Phần thứ ba là vùng lắng đọng của lũ bùn đá, hay còn gọi là vùng hình quạt tại hạ lưu nơi các vật liệu của lũ xòe ra trên một diện tích rộng.

Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá trút xuống Làng Nủ trong 5 phút - 2

Mô phỏng độ cao dòng lũ quét đến Làng Nủ (Ảnh: Châu Lân cung cấp).

Ở thảm họa Làng Nủ, hiện chưa tính hết được tổng khối lượng lũ bùn đất đổ xuống đây nhưng theo PGS Lân, qua tính toán từ các số liệu và mặt cắt hiện có, phần phát sinh trượt lở ban đầu ở đỉnh núi Voi khoảng 1,6 triệu m3.

Sau khi trượt xuống hạ lưu với quãng đường khoảng 3,6km, đất đá tiếp tục sạt lở và bị kéo theo với khối lượng cực lớn, trong đó có nhiều khối đá khổng lồ.

"Chúng tôi chưa thể tính toán cụ thể khối lượng đất đá đã đổ xuống Làng Nủ nhưng với chiều cao lũ có đoạn 9-11m, đoạn sâu nhất 13m-15m, có thể thấy khối lượng lũ bùn đá khổng lồ, mức độ tàn phá thảm khốc với những nơi lũ đi qua", PGS Lân cho hay.

Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá trút xuống Làng Nủ trong 5 phút - 3

Có thể đỉnh núi Voi đã sạt lở từ trước do mưa lớn nhưng không ai biết (Ảnh: Ngọc Tân).

Có thể núi đã sạt từ trước

 Hôm 10/9, thảm họa kinh hoàng nhất đã xảy ra tại thôn Làng Nủ. Rạng sáng, một trận lũ quét kèm theo đất đá sạt lở cao hàng chục mét san phẳng một nửa thôn với 37 hộ dân và 158 nhân khẩu.

Hơn 50 thi thể đã được tìm thấy trong bùn đất và nhiều người vẫn đang mất tích. Thôn Làng Nủ nằm gần chân núi Voi, có 167 hộ với 760 đồng bào người Tày sinh sống nhiều đời.

Trong bản báo cáo của mình, PGS Châu Lân cho rằng, thảm họa Làng Nủ xảy ra ngày 10/9 nhưng có thể núi đã bị sạt từ ngày 9/9 nhưng chưa ai phát hiện ra.

Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá trút xuống Làng Nủ trong 5 phút - 4

Vị trí các khối trượt từ đỉnh núi Voi đến Làng Nủ (Ảnh: Châu Lân cung cấp).

Cụ thể, theo số liệu quan trắc từ trạm Việt Tiến (Lào Cai), lượng mưa tích lũy ngày 9/9 khoảng 500mm. Ngày xảy ra lũ bùn đá ở Làng Nủ (10/9), lượng mưa đạt 633mm, bằng 1/4 trung bình cả năm ở Lào Cai.

Qua nghiên cứu, nhóm PGS.TS Châu Lân và cộng sự nhận định, lượng mưa theo giờ và lượng mưa tích lũy trong 3 ngày bão Yagi quá lớn chính là nguyên nhân gây trượt lở khối lớn, tích tụ vật liệu vào đoạn co hẹp tạo thành đập tạm thời.

Khi lượng nước mưa đổ xuống quá lớn, đập tạm thời này bị vỡ, tràn xuống Làng Nủ, thời điểm vỡ khoảng 6h ngày 10/9.

Cũng theo PGS Lân, dòng lũ bùn đá khác với dòng lũ thông thường ở chỗ dòng lũ bùn đá có cả đất, đá và nước.

Khi có trượt lở đất đá, nếu có độ chênh lệch về độ cao và mưa tích lũy thì sẽ tạo dòng chảy. Trong dòng chảy đó có đá ở phía trên, dòng nước chảy phía dưới, tạo ra sự tàn phá rất lớn với nhà cửa và các công trình khi nó đi qua.

Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá trút xuống Làng Nủ trong 5 phút - 5

Vị trí thôn Làng Nủ là vị trí đứt gãy địa chất (Ảnh: Hữu Khoa).

Cũng theo PGS Lân, một số nhà dân khu vực hình quạt phía dưới hiện vẫn an toàn, nhờ vị trí đủ cao so với phạm vi dòng chảy của lũ.

Nếu lượng mưa theo giờ lớn hơn 40 mm, lượng mưa tích lũy trên 200 mm, cơ quan chức năng có thể xem xét để cảnh báo người dân về nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, từ đó xác định các khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để giúp người dân tìm cách phòng tránh an toàn.

Vị trí thôn Làng Nủ là vị trí đứt gãy địa chất. Đây là vị trí nguy hiểm khi có tai biến địa chất xảy ra. Chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí này.

Ít nhất 1,6 triệu m3 lũ bùn đá trút xuống Làng Nủ trong 5 phút - 6

Chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí nguy cơ sạt lở (Ảnh: Ngọc Tân).

Đối với các vị trí đã hình thành vết nứt, nhóm nghiên cứu đề xuất che phủ bạt, hoặc HDPE dùng thép đóng ghim xuống, không cho nước ngấm tiếp tục vào khe nứt.

Địa phương cũng có thể đào hệ thống rãnh đỉnh thoát nước, không cho nước ngấm trực tiếp vào khu vực có vết nứt…

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Minh Đức (Trường Đại học Khoa học tự nhiên) cho rằng, việc biết nguy cơ sạt lở sớm có thể cứu được nhiều mạng người, do vậy cần cảnh báo và hành động sớm.

Theo chuyên gia này, cần có bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ để làm căn cứ khoanh vùng các khu vực có rủi ro cao về sạt lở.

Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản. Thống kê sơ bộ mới nhất, hiện đã có 329 người chết và mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; hơn 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ…

Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3.