Thanh Hóa:

“Ì ạch” dự án hàng trăm tỷ

(Dân trí) - Sau gần 10 năm đi vào thi công, dự án tiêu úng Đông Sơn vẫn trong tình trạng ì ạch, nham nhở. Điều này không chỉ khiến hàng nghìn hộ dân sinh sống trong phạm vi ảnh hưởng của dự án điêu đứng mà nghiêm trọng hơn, dự án còn có nguy cơ sẽ bị cắt đầu tư và điều chuyển vốn giai đoạn II do Ban quản lý làm mất uy tín trong sử dụng nguồn vốn.

Nguy cơ bị cắt và điều chuyển vốn giai đoạn II

Với mục tiêu, tiêu úng cho khoảng hơn 13 nghìn ha đất nông nghiệp và đô thị tại các huyện: Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương và thành phố Thanh Hóa, kết hợp với cải tạo sinh thái, chỉnh trang đô thị, Dự án Tiêu úng Đông Sơn giai đoạn I với tổng mức dầu tư là 733 tỉ đồng là một trong những dự án đầu tư công thuộc dạng “khủng”. Dự án đi vào cuộc sống, hứa hẹn sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội của Thanh Hóa phát triển.

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 với tổng chiều dài trên 41 km bao gồm 23 gói thầu xây lắp. Theo dự kiến, tháng 12/2016, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn I. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm bắt tay vào thi công giai đoạn I, nhiều gói thầu vẫn còn nằm trong tình trạng ì ạch, nham nhở khiến nhiều dòng chảy bị ách tắc nghiêm trọng và người dân phải phải gánh chịu những hệ lụy khôn lường.

“Ì ạch” dự án hàng trăm tỷ - 1
Dự án rùa bò khiến nguy cơ bị cắt và điều chuyển vốn giai đoạn II
Dự án "rùa bò" khiến nguy cơ bị cắt và điều chuyển vốn giai đoạn II

Cho đến thời điểm hiện tại, dự án đã và đang triển khai thi công 23 gói thầu. Số gói thầu đã hoàn thành 13 gói đạt 56,52% tổng số gói thầu. Trong đó một số gói thầu còn khối lượng công việc rất lớn như: Gói thầu số 17, nạo vét, gia cố sông Bến Ngự đoạn K0 đến K1+890, khối lượng ước tính thực hiện đạt 35% giá trị. Gói thầu số 19, nạo vét, gia cố sông Bến Ngự đoạn K2+785,3 đến K3+886,1 khối lượng đã thực hiện đạt tỷ lệ 52% giá trị gói thầu. Gói thầu số 21, nạo vét, gia cố sông Thọ Hạc từ K2+623,292 đến K4+270 khối lượng ước tính đạt 32%... mặc cho trong các năm 2014, 2015, Chính phủ đã cấp liên tục và đầy đủ nguồn vốn cho dự án.

Sau nhiều lần có công văn “thúc” Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng không mấy hiệu quả, ngày 6/6/2016, Cục quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT ra tiếp tục có ý kiến bằng thông báo số 806/XD-TC gửi UBND thành phố Thanh Hóa về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án tiêu úng Đông Sơn. Đồng thời, trong cuộc họp giao ban công tác tháng 5.2016, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã nghiêm khắc phê bình về tiến độ thực hiện và giải ngân tại một số dự án quá chậm, chỉ đạo yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo từng dự án giải ngân đạt tỷ lệ 50% trở lên sau 6 tháng thi công, nếu không đáp ứng Bộ sẽ xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư, điều chuyển vốn sang dự án khác. Đồng thời không bố trí vốn cho dự án trong năm 2017.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Quản lý xây dựng công trình yêu cầu chủ đầu tư tập trung cao độ công tác quản lý điều hành, tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, giải ngân đối với dự án tiêu úng Đông Sơn. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án cho thấy, đến hết tháng 5/2016 khối lượng thực hiện đạt 28 tỷ, giải ngân mới được 10,52 tỷ/33,6 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2016, đạt tỷ lệ 31,3%.

Dân “méo mặt”

Có mặt tại sông Hạc, đoạn chảy qua phường Trường Thi , TP Thanh Hóa (thuộc gói thầu 21 của dự án). Hai bên bờ bị bồi lấp bởi đủ loại rác thải, khiến nước dồn ứ lại, không thể chảy về xuôi. Phía thượng nguồn (thuộc phường Đông Thọ) là mấy trụ cọc bê tông chưa được sử dụng, nằm ngổn ngang, thi gan với mưa nắng.

Bà Lê Thị Út (trú tại số 1, đường Tiền Phương, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa) không dấu được nỗi bức xúc: “Chuyện lụt lội đối với người dân sinh sống hai bên bờ sông mỗi khi mùa mưa lũ về đã là chuyện thường ngày ở huyện. Chỉ cần một mưa lớn xuống, nước đã ngập quá nửa hè nhà, mấy phòng trọ ở thấp hơn đều bị ngập trong nước khiến bà con vô cùng khổ sở”.

Dòng chảy của sông Thọ Hạc bị ách tắc nghiêm trọng do dự án
Dòng chảy của sông Thọ Hạc bị ách tắc nghiêm trọng do dự án

Gia đình anh Lê Ngọc Huy còn lâm vào tình trạng bi đát hơn, anh cho biết, dự án này được triển khai đã khá lâu nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa thấy chính quyền và ban quản lý dự án giải quyết xong vấn đề đền bù để bà con di dời. Vì nhà nằm trong diện phải quy hoạch, nên suốt nhiều năm nay anh Huy không dám xây mới hay sửa sang lại ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, khiến cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh vô cùng khốn đốn mỗi khi mùa mưa lũ về.

“Giờ chúng tôi cũng chẳng mong gì hơn là dự án sớm đảm bảo tiến độ, để bà con được nhờ. Chứ sống trong thấp thỏm chờ đợi thế này, chúng tôi còn tâm trí dâu mà làm với ăn!” – anh Huy than thở.

Ông Lê Huy Huấn, cán bộ địa chính phường Trường Thi, TP Thanh Hóa cho biết: “Gói thầu 21 chạy qua địa phận phường có 83 hộ và 1 tổ chức bị ảnh hưởng, trong đó 63 hộ phải di chuyển đi nơi khác, hiện cơ bản các hộ đã đăng ký di dời nhưng do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc và một phần do cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư chưa được đảm bảo nên họ chưa di dời”.

Cũng theo ông Huấn thì nếu dòng chảy không được khơi thông trước mùa mưa bão thì các hộ sẽ bị ngập úng là điều không thể tránh khỏi.

Ông Trịnh Văn Bản, Trưởng ban quản lý dự án tiêu úng Đông Sơn cho biết: “Sở dĩ một số gói thầu còn dang dở là bởi dự án gặp một số khó khăn như: Triển khai một cách dàn trải (25 gói thầu), thời tiết, thủy triều. Cộng thêm vào đó là Nghị quyết 11 thắt chặt đầu tư công… cùng với đó là một khối lượng công việc rất lớn về công tác đền bù, tái định cư”.

“Hiện chúng tôi đã giải ngân được 85% khối lượng công việc. Theo kế hoạch đến cuối 2016 chúng tôi sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên đành phải chấp nhận một số gói thầu dở dang, chờ giai đoạn 2 như gói thầu số 21”.

Ông Bản cho biết thêm, ngoài 733 tỷ số vốn ban đầu, để hoàn thành giai đoạn I, dự án vẫn còn cần 433 tỷ do trượt giá.

Bình Minh

“Ì ạch” dự án hàng trăm tỷ - 4