Quảng Ngãi:
"Hy sinh" 50 ha rừng dừa để xây hồ chứa nước cho nhà máy giấy
(Dân trí) - Giữa đồi núi trơ sỏi đá, những công trình phục vụ công nghiệp đầy bụi bặm, 70 ha rừng dừa nước ngập mặn Cà Ninh (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn) trở thành "lá phổi xanh" cho cộng đồng dân cư nơi đây. Tuy nhiên, chẳng bao lâu nữa phần lớn dừa nước sẽ bị chặt phá để xây dựng hồ chứa nước cho nhà máy Bột - Giấy VNT 19.
Dự án nhà máy Bột - Giấy VNT 19 được xây dựng vào năm 2012 tại thôn Phú Long (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn). Dự án được xây dựng trên diện tích 118 ha với tổng vốn đầu tư 7.900 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án có công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm.
Để đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất cho nhà máy Bột - Giấy VNT 19, Công ty Thủy nông Quảng Ngãi được cấp phép xây dựng hồ chứa trên diện tích 85 ha tại địa bàn thôn Phú Long (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn). Trong đó 50 ha diện tích hồ chứa nằm trong khu vực rừng dừa nước Cà Ninh. Thông tin phá bỏ rừng dừa để xây dựng hồ chứa nước cho nhà máy giấy khiến người dân thôn Phú Long tiếc nuối xen lẫn cảm giác bất an.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bốn (63 tuổi, thôn Phú Long, xã Bình Phước) cho biết, rừng dừa nước Cà Ninh đã có cách đây khoảng 70 - 80 năm. Thời trước, người dân trong thôn phải vào tận Nam Bộ mua giống về trồng và cùng nhau giữ gìn để có được 70 ha dừa nước xanh mát như hôm nay.
Rừng dừa nước Cà Ninh có nhiệm vụ giữ đất, ngăn nước mặn tiến vào ruộng đồng nên được người dân nơi đây rất coi trọng. Mọi người giữ rừng bằng hương ước, rồi trồng thêm và mặc nhiên để dừa nước sinh sôi chứ chẳng bao giờ chặt phá. Giờ nghe tin phần lớn diện tích rừng dừa nước bị phá bỏ để thực hiện dự án nhà máy giấy, người dân khu vực thôn Phú Long cảm thấy lo lắng.
"Làm nhà máy phát triển kinh tế thì quá tốt, nhưng phá bỏ rừng dừa cũng không nên. Rừng dừa này được chăm sóc, bảo vệ mấy chục năm nay. Nhiều người dân dựa vào rừng dừa để sinh nhai giờ phá bỏ thì bao giờ trồng lại được như thế", bà Bốn chia sẻ.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Minh - một lão ngư phủ ở thôn Phú Long tỏ ra khá tiếc nuối khi nay mai rừng dừa nước bị phá bỏ. Ông Minh cho biết, rừng dừa nước Cà Ninh là nơi có rất nhiều cá tôm sinh sống. Nguồn lợi thủy sản từ rừng ngập mặn đã nuôi sống hàng trăm hộ dân qua nhiều thế thệ. "Nghe tin phá rừng dừa ai cũng lo. Tuy là có tiền đền bù nhưng rồi nay mai cũng hết, trong khi rừng Cà Ninh là sinh kế bền vững bao đời của người dân rồi. Sau này có muốn cũng đâu trồng lại được".
Cũng theo ông Minh, rừng dừa nước Cà Ninh còn có giá trị lịch sử vì đây là nơi trú quân của các lực lượng du kích, bộ đội trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trường kỳ của dân tộc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thế Nhân - Chủ tịch UBND xã Bình Phước xác nhận, 50 ha rừng dừa nước Cà Ninh sẽ bị phá bỏ để xây dựng hồ chứa nước phục vụ nhà máy Bột - Giấy VNT 19.
"Rừng dừa nước Cà Ninh rộng gần 70 ha, trong đó 50 ha sẽ bị phá bỏ để làm hồ chứa nước. Việc này đã được chủ đầu tư họp dân lấy ý kiến và thống nhất phương án bồi thường. Dự án được tỉnh cấp phép nên người dân phải ủng hộ, tuy nhiên họ cũng có ý kiến cho rằng không nên phá rừng dừa", ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, việc phá bỏ rừng dừa nước để thực hiện dự án nhà máy giấy ảnh hưởng đến sinh kế của 40 hộ dân, đồng thời khiến 1.600 nhân khẩu của 4 thôn quanh nhà máy giấy VNT 19 lo ngại về vấn đề môi trường.
"Người dân cho rằng sản xuất giấy là ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, trong khi đó lại phá bỏ rừng dừa nước hàng trăm năm tuổi càng khiến người dân lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường khi nhà máy này đi vào hoạt động", ông Nhân cho biết thêm.
Việc phá bỏ rừng dừa nước kéo theo nhiều vấn đề an sinh, môi trường, điều hòa khí hậu tại các khu công nghiệp.
Liên quan đến việc phá bỏ rừng dừa nước Cà Ninh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu chủ đầu tư nhà máy Bột - Giấy VNT 19 phải rồng rừng phục hồi đúng bằng diện tích đã phá bỏ hoặc trả chi phí cho tỉnh trồng lại diện tích rừng này. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn xã Bình Phước và các vùng lân cận của huyện Bình Sơn đã hết đất để trồng lại rừng ngập mặn.
"Qua khảo sát tại địa bàn xã Bình Phước không còn nơi nào có thể trồng rừng phục hồi, các xã lân cận cũng vậy. Mới đây, một doanh nghiệp đã khảo sát địa điểm để thực hiện dự án trên diện tích 40 ha dừa nước vừa được sở Tài nguyên - Môi trường trồng vào năm 2016 theo dự án trồng rừng ngập mặn các xã ven biển của huyện Bình Sơn", ông Nhân nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tân - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc khảo sát các yếu tố về môi trường, hệ sinh thái rừng dừa nước trước khi cấp phép xây dựng hồ chứa nước được thực hiện rất thận trọng.
"Qua khảo sát cho thấy vai trò, chức năng của rừng dừa nước trong việc ngăn mặn, giữ đất và giá trị về mặt kinh tế đối với cư dân trong vùng không còn như trước kia. Mặt khác, đây cũng là vị trí duy nhất phù hợp để xây dựng hồ chứa nước phục vụ nhà máy giấy nên phải thực hiện", ông Tân lý giải.
Về thông tin 40 ha rừng dừa nước vừa được trồng cũng sắp bị "xóa sổ", ông Nguyễn Quốc Tân - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ngãi cho biết chưa nắm được thông tin này. Có thể dự án này đang trong giai đoạn khảo sát nên chưa có thông tin chính xác.
Hà Xuyên