1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Huyết mạch” quốc gia sao dễ... tổn thương?

Sự cố toàn miền Nam mất điện chỉ vì một xe cần cẩu xảy ra chiều 22/5 dấy lên lo ngại không chỉ cho an toàn lưới điện mà cho an ninh năng lượng quốc gia. Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ an toàn lưới điện đặc biệt là đường dây 500kV?

Bảo dưỡng định kỳ đường dây 500kV. Ảnh: Cẩm Văn
Bảo dưỡng định kỳ đường dây 500kV. Ảnh: Cẩm Văn

 

 

Đường điện quốc gia nhưng dễ bị xâm hại

 

Đường dây 500kV là tuyến đường điện huyết mạch, truyền tải điện từ Bắc vào Nam, và ngược lại. Đường dây này được xây dựng cũng nhằm phục vụ cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tầm quan trọng là vậy, song công tác đảm bảo an toàn cho đường dây này lâu nay dường như chưa được quan tâm đúng mức.

 

Thực tế trong thời gian qua, đường dây 500kV này lại quá dễ bị tổn thương bởi những lý do rất đơn giản, tưởng chừng như không thể làm “lay động” đến đường dây này, nhưng hậu quả thì cực kỳ nghiêm trọng. Minh chứng là sự cố vào ngày 22.5, chỉ vì sự bất cẩn của một tài xế xe cẩu cẩu một cây dầu trồng tại thành phố mới Bình Dương, chạm vào đường dây 500kV đã xảy ra hệ quả mất điện kéo dài 8 giờ tại 22 tỉnh, thành phía nam, làm tê liệt hoàn toàn các hoạt động sản xuất kinh doanh và thiệt hại vẫn chưa thống kê hết. Đây không phải là sự cố đầu tiên xảy ra trên đường dây 500kV...

 

Số liệu từ TCty Truyền tải điện quốc gia cũng cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2012, có tới 7 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện xuất phát từ các hành vi thả diều, xe và máy công trình thi công vi phạm độ cao cho phép, tàu thuyền đi không đúng luồng lạch gây sự cố đến hệ thống truyền tải điện trên hệ thống. Cũng trong năm 2012, chỉ riêng các tuyến đường dây 220 và 500kV chạy trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên do Cty truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý, có đến 31 sự cố xảy ra, trong đó có 5 sự cố đường dây do cháy rừng phòng hộ, cháy mía, 4 sự cố do gió cuốn các đồ vật như cây, tấm bạt, xe ben vướng vào đường dây và 21 sự cố do sét đánh.

 

Tuy mức độ từ những sự cố này có thể chỉ xảy ra mất điện cục bộ, chứ không nghiêm trọng như sự cố mất điện toàn miền Nam vào ngày 22.5, nhưng điều này cũng cảnh báo về sự dễ tổn thương của hệ thống truyền tải điện quốc gia.

 

Đùn đẩy trách nhiệm

 

Các sự cố xâm hại đến đường dây truyền tải điện quốc gia hầu hết đều xuất phát từ các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Theo Nghị định 106 về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp được Chính phủ ban hành tháng 8.2005, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình.

 

Ngày 23.5, cơ quan chức năng đang dựng lại hiện trường sự cố gây mất điện. Ảnh: Cao Hùng
Ngày 23.5, cơ quan chức năng đang dựng lại hiện trường sự cố gây mất điện. Ảnh: Cao Hùng

 

Bên cạnh đó, căn cứ vào tình tình ở từng địa phương, thành lập các ban chỉ đạo cấp tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Thành phần và quy chế hoạt động do chủ tịch UBND quyết định. Tuy vậy trên thực tế hiện nay công tác quản lý, bảo vệ cũng như trách nhiệm xử lý đối với các hành vi vi phạm này lại đang có sự chồng chéo giữa ngành điện và chính quyền địa phương.

 

Ông Đặng Hoàng An – Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực VN – cho biết, chính quyền các địa phương cũng như các DN hết sức lưu ý đến quy định đảm bảo an toàn lưới điện để tránh vi phạm khoảng cách hành lang an toàn lưới điện, tránh gây sự cố nghiêm trọng. Một số thông tin cho thấy, trên tuyến đường dây 500kV có tới 342 chốt gác bảo vệ với khoảng 1.500 người luân phiên canh gác, nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đường truyền tải điện này. Thế nhưng, các chốt gác này có làm tròn nhiệm vụ hay không lại là một câu chuyện khác.

 

Cần nhớ lại rằng, chỉ riêng trên tuyến đường dây 500kV chạy qua địa bàn tỉnh Bình Phước, trong khoảng thời gian hai ngày 22.6 và 15.11.2012 có tới 17 trạm canh bỏ trực. Nhiều chòi canh bị bỏ hoang và thậm chí phương tiện phòng cháy chữa cháy cũng bị mất cắp. Vào thời điểm đưa ra thông tin này, đội đường dây truyền tải điện Miền Đông 1 cho biết, những người do chính quyền địa phương cử ra bảo vệ đường dây thường xuyên không trực gác nghiêm túc.

 

Trong khi đó, chính quyền các địa phương lại cho rằng, hoàn toàn bị động và chỉ là đơn vị phối hợp, chứ không phải chịu trách nhiệm chính. Từ sự cố mất điện do xe cẩu tại Bình Dương vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây mất điện toàn miền Nam, trao đổi với PV tối 23.5, ông Nguyễn Văn Hữu - Phó GĐ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho rằng “Đường lưới điện 500kV là do các đơn vị cấp quốc gia điều hành và vận hành nên trách nhiệm chính là do EVN quản lý. Riêng địa phương chỉ phối hợp để tuyên truyền về quản lý nhà nước cho người dân chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang lưới điện, nhằm đảm bảo thông suốt đường lưới điện trong quá trình vận hành, chứ không làm gì khác được vào đường lưới điện quốc gia”.

 

Trong khi các cơ quan vẫn còn đang đùn đẩy trách nhiệm quản lý cho nhau, thì hiện nay trách nhiệm trực tiếp lại đang tập trung vào đối tượng vi phạm gây ra sự cố. Đến nay, cơ quan công an đã xác định tại thời điểm xe cẩu cây dầu dài 17,5m vướng vào lưới điện 500kV Di Linh ( Lâm Đồng) – Tân Định (Bình Dương) là do 3 đối tượng có hành vi trực tiếp gây ra sự cố mất điện, gồm: Lái xe cẩu là Ngô Tấn Thảo, Nguyễn Trung Thành là phụ xe và người trông giữ các cây dầu là Huỳnh Văn Hiền. Bước đầu điều tra, cả ba đối tượng có hành vi bất cẩn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo cơ quan điều tra, ngay sau khi xác minh được thiệt hại sẽ khởi tố vụ án và từng cá nhân liên quan.

 

Theo Nhóm PV
 Lao động