1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Xe cần cẩu là “thủ phạm” gây mất điện toàn miền Nam

(Dân trí) - Sự cố mất điện tại 22 tỉnh thành phía Nam là do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV. Chiếc xe này đang bị lực lượng chức năng tạm giữ.

Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vào lúc 14h19 ngày 22/5 đã xảy ra sự cố trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định. Sự cố đường dây 500kV trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện (HTĐ) 500kV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong HTĐ miền Nam, dẫn tới HTĐ miền Nam  mất điện toàn bộ (khoảng 9400 MW).
 
Xe cần cẩu là “thủ phạm” gây mất toàn bộ hệ thống điện miền Nam

 

Qua điều tra sơ bộ, sự cố do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định. Hiện xe cần cẩu (biển kiểm soát 61P-3745) đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ.
 
Chiếc xe cần cẩu đã để cây chạm vào đường dây điện
Chiếc xe cần cẩu đã để cây trên xe chạm vào đường dây điện (Ảnh: Trung Kiên)
 
Mất điện khiến hệ thống đèn bị tê liệt, giao thông hỗn loạn (Ảnh: Trung Kiên)
Mất điện khiến hệ thống đèn bị tê liệt, giao thông hỗn loạn (Ảnh: Trung Kiên)
 

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng Công ty Điện lực, các nhà máy điện tập trung lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố để tái lập cung cấp điện cho HTĐ miền Nam.

 

Vào lúc 15h54, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500kV Bắc - Nam và từng bước khôi phục HTĐ miền Nam. Dự kiến trong chiều và tối nay, HTĐ miền Nam sẽ được khôi phục toàn bộ.
 
Người dân đổ ra đường sau sự cố mất điện (Ảnh: Tùng Nguyên)

Người dân đổ ra đường sau sự cố mất điện (Ảnh: Tùng Nguyên)

Máy phát điện được đưa ra sử dụng (Ảnh: Tùng Nguyên)
Máy phát điện được đưa ra sử dụng (Ảnh: Tùng Nguyên)
 
Đến khoảng 16h chiều, một số khu vực ở TPHCM mới có điện trở lại. Trong khi đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến 16h30' mới chỉ có Cần Thơ có điện trở lại...
 
Đến khoảng 20 giờ ngày 22/5, nhiều địa phương ở Sóc Trăng đã có điện trở lại sau khoảng 6 tiếng đồng hồ mất điện.
 
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Các, Giám đốc bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, cho biết: “Do cúp điện nên bệnh viện phải sử dụng máy phát điện để duy trì các hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, chi phí cho chạy máy phát điện quá cao so với sử dụng điện lưới. Cụ thể, mỗi giờ đồng hồ chạy máy phát điện hết 80 lít dầu, tính ra cũng gần 2 triệu đồng”.

Ở huyện Mỹ Xuyên, ông Nguyễn Thanh Hùng, nông dân nuôi tôm cũng than thở: “Gia đình tôi sử dụng điện lưới cho việc chạy máy tạo khí ở 6 ao tôm. Bị cúp điện phải chạy máy dầu, tốn hơn hẳn so với dùng điện”.

Nhiều hộ dân kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh ở khu vực đường Hai Bà Trưng, phường 1, TP Sóc Trăng cho biết, vào thời điểm mất điện, công việc kinh doanh bị ảnh hưởng lớn. Do phải có điện thì mới có thể thử máy, thiết bị điện cho khách hàng, nên việc không có điện khoảng 3-4 tiếng đồng hồ đã khiến khách hàng không tới mua hàng.
 
T. Nguyên - H.Yến - B. Dương