Huyện Từ Liêm lý giải đặt tên hai quận Bắc - Nam Từ Liêm
(Dân trí) - Trưởng ban Tuyên giáo huyện Từ Liêm Nguyễn Văn Việt cho biết, trong đề án đặt ra ba lựa chọn tên cho 2 quận mới gồm: Từ Liêm và Mỹ Đình, Từ Liêm và Tây Thăng Long, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Không như phương án của huyện, nhiều người dân đề nghị lấy tên của một quận là Từ Liêm còn quận khác tên là Mỹ Đình hoặc Thăng Long, thưa ông?
Đề án chúng tôi cũng đặt ra nhiều phương án để lựa chọn, tuy nhiên tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm là phương án ưu tiên. Cụ thể, ba phương án chúng tôi đặt ra là Từ Liêm và Mỹ Đình, Từ Liêm và Tây Thăng Long nhưng vì những lý do khác nhau nên phương án ưu tiên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
“Từ huyện lên quận, giá đất chắn chắn sẽ tăng, giá đền bù cũng tăng” - ông Nguyễn Văn Việt nói. |
Tên Tây Thăng Long được đưa ra để đặt cho một quận mới cũng rất hay. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng không thỏa đáng vì Thăng Long là tên cố đô trong lịch sử lại đặt cho một quận là không hợp lý.
Sau nhiều lần chia tách, Từ Liêm có được thành quả như ngày nay là công lao của tất cả các thế hệ, kết quả chung của cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện cho nên chúng tôi muốn đặt tên Từ Liêm cho hai phía Bắc - Nam và lấy địa giới là đường 32.
Tất cả những thông tin đó chúng tôi đang nghiên cứu, lấy ý kiến nhân dân từ cấp thôn, xã, thị trấn trong huyện. Sau đó, chúng tôi báo cáo HĐND huyện, thành phố và quyết định cuối cùng là Chính phủ.
Việc điều chỉnh địa giới hành chính như vậy sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh như việc xây dựng trụ sở mới của nhiều cơ quan. Vậy, ngân sách để phục vụ cho việc này là bao nhiêu?
Khi tách huyện thành 2 quận, theo đề án trụ sở quận phía Nam nằm ở vị trí hiện tại. Trụ sở phía Bắc sẽ được xây mới hoán toàn trên đường Văn Tiến Dũng, đoạn gần trung tâm thể thao và nhà văn hóa huyện hiện tại. Nhiều phường mới thành lập cũng phải xây thêm trụ sở và các công trình công ích như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế…
Ngân sách phục vụ cho các hoạt động trên chắc chắn Nhà nước sắp xếp. Tuy nhiên, kinh phí là bao nhiêu các cơ quan trách nhiệm của chính quyền - UBND sẽ làm theo đề án dự trù trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chia tách thành 2 quận mới, bộ máy hành chính hiện tại sẽ điều chuyển thế nào và đội ngũ công chức, viên chức liệu có “phình” ra không, thưa ông?
Việc điều chuyển địa giới hành chính từ một huyện thành 2 quận, đương nhiên có sự điều động, luân chuyển cán bộ. Biên chế cán bộ, công chức, viên chức của 2 quận so với huyện Từ Liêm đương nhiên là sẽ tăng. Tuy nhiên, tăng thế nào phải theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở huyện trình cấp có thẩm quyền là Thành ủy, HĐND thành phố phê duyệt đủ số lượng cũng như chất lượng cán bộ bảo đảm bộ máy quận mới hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.
Cán bộ hiện tại được sắp xếp thế nào thì tới đây sẽ bàn. Một điều bất biến là cán bộ chủ chốt của huyện tham gia HĐND huyện được đơn vị nào bầu lên, sau này điều chỉnh địa giới hành chính sẽ ở lại địa bàn đó.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (ghi)