1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nhiều người dân thủ đô không đồng tình với tên Bắc - Nam Từ Liêm

(Dân trí) - Nhiều người dân thủ đô chưa thỏa mãn với tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm định đặt cho hai quận mới của Hà Nội. Cách đánh số cho nhiều phường mới của hai quận này cũng khiến nhiều người không đồng tình.

Hoàn thiện Đề án chia tách địa giới hành chính huyện Từ Liêm để trình HĐND thành phố Hà Nội thông qua, những ngày này trên địa bàn huyện Từ Liêm đang tổ chức hội nghị xin ý kiến nhân dân về việc nhất trí hay không nhất trí với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính.

“Số hóa” cấp phường

Theo đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, hai quận mới dự kiến được đặt là “Bắc Từ Liêm” và “Nam Từ Liêm”. Ông Lê Văn Thư - Bí thư Huyện ủy Từ Liêm - cho biết tên Từ Liêm đã xuất hiện ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước và nó có nhiều ý nghĩa. Theo sử sách ghi lại thì “Từ” có nghĩa là “Người trên thương yêu người dưới” hay “Tình thương chung” hoặc “Xưng mẹ là Từ”; còn “Liêm” có nghĩa là “trong sạch”, “ngay thẳng”, hay “không tham của người”.

Nhiều người dân đồng ý với việc tách huyện Từ Liêm thành 2 quận
Nhiều người dân đồng ý với việc tách huyện Từ Liêm thành 2 quận

Ông Thư cho biết, để tri ân các thế hệ cha ông và những lớp người đi trước; cũng là để cái tên “Từ Liêm” không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ con cháu sau này, trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận và 23 phường đã xác định tên là “Bắc Từ Liêm” và “Nam Từ Liêm”.

Đến nay, tên các phường của hai quận mới của Hà Nội cũng đã được xác định và nó đều gắn với tên truyền thống của các xã, thị trấn hiện nay. Tuy nhiên, những phường bị chia tách được “số hóa” một cách triệt để. Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm gồm 13 phường trong đó có 5 phường Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương và Minh Khai không bị đánh số. 8 phường còn lại của quận này được đánh số theo thứ tự 1 và 2 như: phường Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2; Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2; Phú Diễn 1, Phú Diễn 2; Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2.

Tương tự ở quận Nam Từ Liêm có 10 phường thì tên của 4 phường cũng bị rơi vào tình trạng “số hóa”. Trong đó có phường Mễ Trì, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Phú Đô, Cầu Diễn không bị đánh số. 4 phường còn lại bị đánh số là Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2; Xuân Phương 1, Xuân Phương 2.

Tên quận, tên phường gây nhiều rối rắm

Trong hội nghị lấy ý kiến nhân dân về việc tách địa giới hành chính cấp quận, phường thu hút rất đông cử tri đến dự. Ngày ngày 1/12, nhà văn hóa nhiều thôn ở huyện Từ Liêm chật kín người người đến nghe chủ trương đề án và cho ý kiến về tên quận, phường mới. Tất cả 100% người dân đồng ý với việc chia tách huyện Từ Liêm thành 2 quận mới. Tuy nhiên, cách đặt tên quận “Bắc Từ Liêm”, “Nam Từ Liêm” và phường “Xuân Phương 1”, “Xuân Phương 2” khiến nhiều người cảm thấy rối rắm, và lo ngại sau này rất dễ nhầm lẫn trong các thủ tục hành chính.

Việc số hóa cấp phường kiến nhiều người không đồng thuận
Việc "số hóa" cấp phường kiến nhiều người không đồng thuận

“Huyện lớn như Từ Liêm và đã đầy đủ cơ sở hạ tầng nên việc chia tách lên quận cho dễ quản lý chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng cái tên Bắc - Nam Từ Liêm tôi cảm giác không hợp lý lắm. Trước đây tôi có nghe phương án chia tách với phương án một quận được đặt tên là Từ Liêm, quận còn lại là Thăng Long nghe ra còn hợp lý hơn rất nhiều”, ông Minh ở xã Xuân Phương cho biết.

Bà Nguyễn Thị Huyền ở Phú Diễn cũng hoàn toàn ủng hộ phương án chia tách huyện Từ Liêm thành 2 quận. Đề cập đến tên quận Bắc - Nam Từ Liêm, bà Huyền chỉ đồng ý với một quận có tên là Từ Liêm, quận còn lại cấp huyện và thành phố nên chọn một cái tên khác.

“Một quận lấy tên là Từ Liêm như đề án đưa ra là rất hợp lý vì nó là sự tri ân các thế hệ cha, ông và những lớp người đi trước và cho con cháu sau này khỏi quên cội nguồn. Để tránh việc nhầm lẫn sau này theo tôi một quận nên có tên mới hoàn toàn”, bà Huyền nói.

Việc đánh tên phường mới ở huyện Từ Liêm theo thứ tự 1 và 2 cũng khiến không ít người lo ngại. Ông Trung ở Xuân Phương đồng tình với cách giữ nguyên tên một phường theo tên truyền thống đã tồn tại từ cấp xã. Tuy nhiên, một trong hai phường phải có tên mới để cho dễ phân biệt sau này.

“Đánh số thứ tự 1 và 2 ở cấp phường tôi cảm giác việc chính quyền đang “số hóa” địa giới hành chính ở địa phương thì không hợp lý lắm. Việc này làm lai căng tên cổ của các cụ đặt trước đây và không khéo sau này thêm nhiều phiên hà về mặt hành chính”, ông Trung lo ngại.

Quang Phong