(Dân trí) - Tháng 5/2018, trong khi vây bắt băng nhóm cướp giật, 2 hiệp sĩ đường phố đã tử vong và 3 người khác thương tật đến 68%, bởi sự cuồng sát của Nguyễn Tấn Tài (biệt danh Tài Mụn).
Tháng 5/2018, trong khi vây bắt băng nhóm cướp giật, 2 hiệp sĩ đường phố đã tử vong và 3 người khác thương tật đến 68%, bởi sự cuồng sát của Nguyễn Tấn Tài (biệt danh Tài Mụn).
Ghi nhận sự hy sinh quên mình vì công tác phòng chống tội phạm, Thủ tướng Chính phủ đã trao bằng Tổ quốc ghi công và công nhận liệt sĩ cho anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989) và Nguyễn Văn Thôi (SN 1976); Chủ tịch nước truy tặng và tặng Huân chương Dũng cảm cho các hiệp sĩ may mắn sống sót.
4 năm sau, ở độ tuổi 54, tưởng chừng huyền thoại Trần Văn Hoàng (Đội trưởng nhóm Hiệp sĩ đường phố quận Tân Bình, TPHCM) đã từ bỏ công việc "0 đồng" vì vết thương chí mạng. Ấy vậy, còn một điều day dứt khiến ông mãi mãi đeo đuổi.
Dân trí đã có cuộc gặp với ông vào một buổi chiều đầu tháng 3, và lần đầu tiên lắng nghe những nỗi niềm này!
Huy Hậu: Tôi thực lòng quan tâm rằng sau 3 năm vụ án Tài Mụn, sức khỏe của ông hiện giờ ra sao?
Trần Văn Hoàng: Bị đâm lòi ruột, lủng phổi, rách màng tim như tôi mà vẫn sống, là may mắn lắm rồi. (Cười)!
Bây giờ, mỗi tháng tôi đều phải vào viện kiểm tra vì vết thương quá sâu, thở mạnh thôi cũng đau. Nhưng nó chỉ là vết thương ngoài da, tôi còn một vết thương khác đau hơn gấp trăm lần.
Huy Hậu: Vết thương đó là gì vậy ông?
Trần Văn Hoàng: "Tài Mụn xuất hiện…" - tối 13/5/2018, nhóm chúng tôi đang ngồi cà phê thì nhận được mật báo từ hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi.
Ban đầu, anh em chần chứ lắm vì thời gian gấp gáp, chẳng ai kịp chuẩn bị bất kì dụng cụ phòng thân nào cả. Nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội này, sẽ rất khó bắt đối tượng, nên cuối cùng tất cả vẫn nhất trí hành động.
Tôi dẫn đầu đội hiệp sĩ đi về hướng công viên Lê Thị Riêng (quận 10). Tại đây, Tài cùng đồng bọn 2 lần cướp hụt 2 chiếc xe nên tiếp tục di chuyển về quận 1. Qua đoạn đường Tô Hiến Thành, phát hiện một con SH không người trông coi nằm bên tay trái, Tài lập tức quay đầu xe để hành động.
Ngay thời điểm này, tôi ra dấu anh em mai phục. Đợi "Tài Mụn" vừa bẻ số cướp xe, tôi đã đá số tông trực diện vào khiến cả 2 ngã nhào. Chưa kịp định thần, "Tài Mụn" liền rút dao đâm một nhát chí mạng vào mạn suờn, ruột tôi đổ ào ra ngoài.
Lúc đó, một tay tôi ôm bụng, một tay vẫn cố cầm nón bảo hiểm đập vô đầu Tài để ngăn hắn bỏ trốn. Thấy vậy, Tài tức giận, thét lên: "Đứa nào xông vào tao đâm chết…", rồi ra tay sát hại thêm 2 hiệp sĩ Quý và Huy.
Đồng đội đoán tôi không qua khỏi, tức tốc đưa đi viện. Tới đoạn Tô Hiến Thành giao Sư Vạn Hạnh (quận 10) tôi thở thoi thóp, bảo: "Chuyến này anh qua không khỏi!", rồi ngất lịm.
Tỉnh dậy, 10 ngày đã trôi qua. Lúc đó, tình trạng của tôi rất nguy kịch, thương tật 68%, toang hoác vùng bụng, lộ cả nội tạng. Để giữ mạng sống, e-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 quyết định giấu nhẹm chuyện thương vong, thậm chí họ còn ra quy định ai để tôi biết thông tin sẽ đuổi việc ngay lập tức.
Ngày tôi ra viện, vị giám đốc đến phòng, từ từ nắm tay bảo tôi giữ bình tĩnh. Một linh tính đã mách tôi chuyện chẳng lành. "Anh Hoàng à! Thôi và Nam không qua khỏi. Cả 2 mất tại chỗ" - ông ấy nói. Tôi quỵ xuống giường, gào lên như một đứa trẻ.
Bạn biết không? Cái chết của các anh em, nó đau gấp trăm, gấp ngàn lần. Thôi, Nam, 2 đứa tụi nó cùng một lúc rời bỏ tôi. Ngay cả trước khi tôi ngất, trong những giây phút cuối cùng, chúng còn chẳng để tôi thấy mặt, chẳng kịp trăng trối một lời.
Đó là sự dằn vặt không bao giờ nguôi ngoai.
Huy Hậu: Ông đã sống với nỗi dằn vặt đó như thế nào?
Trần Văn Hoàng: Về đến nhà, tôi nằng nặc đòi đi tìm Thôi, Nam. Ngồi trước bàn thờ của 2 đứa, tôi khóc không ngừng. 4 năm nay, cứ hễ đám giỗ tụi nó, tôi lại về thăm.
Cái ngày tòa tuyên án, tất cả chúng tôi quyết định không đòi gia đình Tài bồi thường gì thêm. Có nhiều người trách tại sao làm vậy? Nhưng bạn biết không, kẻ có tội cuối cùng đã nhận tội. "Tài Mụn" đã bị tử hình. Bố mẹ y chẳng có tội lỗi gì để phải chịu thêm bất kỳ hình phạt nào.
Nếu cứ dày vò họ, nó chỉ khiến tất cả đau đớn, luôn luôn nhớ về buổi tối 13/5. Điều mà ngay chính anh em đã mất của chúng tôi, không ai mong muốn.
Huy Hậu: Sự nghĩa hiệp, "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha" của ông bắt đầu từ khi nào?
Trần Văn Hoàng: Những năm 15-16 tuổi, tôi không nhớ bao nhiêu lần cha tự tay dắt mình đến giao nộp cho công an, bao nhiêu lần đi cải tạo, học luật với cán bộ, bao nhiêu lần mẹ lội bộ tìm kiếm mỗi lần nghe tin tôi trốn nhà.
Nhưng cứ thả về, bè bạn lôi kéo, tôi lại lao vào các cuộc ẩu đả, gây sự, đánh đấm khắp làng trên xóm dưới. Ở cái tuổi đó, suy nghĩ nông cạn, bồng bột và máu háo thắng khiến con người ta chẳng còn biết đâu đúng đâu sai!
Thậm chí ở cái huyện nơi tôi sống, cứ nói tên "Hoàng Điểm" là tất cả đều biết, trận đánh nào cũng có mặt.
18 tuổi, tôi quyết định "thay máu giang hồ" nên bỏ lên Buôn Mê Thuột rồi Đồng Nai, Bình Dương tu chí làm ăn. Nhưng chẳng được bao lâu, bạn bè rủ rê, tôi lại móc nối lập băng đảng. Nó như cái vòng luẩn quẩn mà một khi bạn đã ở trong thế giới đó, đã gần mực thì không tài nào sáng.
23 tuổi, tôi vô Sài Gòn, đem lòng thương một cô osin cạnh nhà. Đến khi cô ấy mang thai, tôi đành đặng bỏ để tiếp tục tụ tập, ăn chơi. Gia đình nói bao nhiêu cũng không tỉnh ngộ, anh trai cô ấy còn tuyên bố: "Dù nghèo đói, có chết, cả đời này không bao giờ cho thằng Hoàng nhìn mặt con".
Cô ấy một mình trở về quê, một mình sinh con, ngày ngày vừa địu thằng nhỏ, vừa gánh quầy bánh tráng đi bán để kiếm tiền nuôi con. Chứng kiến hình ảnh đó, tôi gục xuống đường, òa lên khóc: "Mày làm gì vậy Hoàng? Sao mày có thể ác độc, xấu xa vậy hả Hoàng?". Thế nhưng, cuối cùng cô ấy vẫn chấp nhận tha thứ tất cả.
Vợ chồng tôi quay lại Sài Gòn, hai bàn tay trắng, nghèo rách mồng tơi! Ông chủ cây xăng thương tình mới giúp một chỗ bán buôn. Bà cô chủ nhà ngày ngày nấu xoong cơm to, suốt 20 năm nay vẫn để vợ chồng tôi ăn miễn phí.
Đó là những món nợ ân tình mà tôi nghĩ cả đời này nếu làm gì được, tôi sẵn sàng trả.
Huy Hậu: Tại sao ông nghĩ đó là món nợ của bản thân mình?
Trần Văn Hoàng: Bởi nếu không có người cho cơm tôi ăn, cho chỗ tôi sống, không có gia đình giúp tôi thừa nhận sai lầm và được quyền làm cha, có lẽ tôi đã như trước đây, là một tên du côn, tập bè lập bọn, làm xấu cho xã hội.
Nên năm 1995, trong lúc đang chạy xe đạp trên đường, nghe tiếng tri hô "Cướp! Cướp!" mà không thấy ai dám xông vào, tôi chẳng nghĩ ngợi tông chiếc xe đạp trực diện để vây bắt.
Huy Hậu: Ông trải qua nhiều vụ bắt cướp như thế rồi chứ?
Trần Văn Hoàng: Trên dưới 500 vụ!
Bạn tin không? Bây giờ, trong điện thoại đầy tin nhắn hăm dọa, tống tiền. Nhiều lần giang hồ còn vác mã tấu đến nhà để bao vây, quậy phá.
Năm 2010, sau 2 ngày triệt phá băng nhóm giật túi xách ở Âu Cơ (quận Tân Bình), đàn em của chúng kéo đến quầy hàng vợ chồng tôi, dùng mã tấu xả liên hoàn. Tuy né kịp nhưng tôi vẫn dính 3-4 nhát, phải may rất nhiều mũi.
Đợt đó, lần đầu thấy tôi cận kề cái chết, vợ tôi khóc nhiều lắm! Cô ấy đã cạo đầu, ăn chay cả tháng chỉ cầu cho tôi được sống.
Huy Hậu: Nguy hiểm quá thưa ông…
Trần Văn Hoàng: Nguy hiểm chứ! Luôn luôn đối diện cái chết.
Thế nên, một khi thành viên nào xin gia nhập "Hiệp sĩ đường phố", chúng tôi đều nói: "Đe dọa tính mạng rất cao! Anh em tham gia được hẵng tham gia. Cái nghề này không phải chỗ để chơi".
Nhưng đến giờ có ai chịu rời đi đâu. Hiện tại, nhóm Hiệp sĩ Tân Bình có 5 thành viên chủ lực, ngày đêm phối hợp với lực lượng chức năng để tham gia phòng chống tội phạm. Ngoài ra, tại mỗi quận, huyện TPHCM đều có một đội nhóm, hoạt động liên tục 24/7.
Hết lớp này đến lớp khác, già có, trẻ có, chỉ bảo nhau cùng thực hiện. Bởi chúng tôi thấy mình nhận nhiều hơn mất.
Huy Hậu: Điều nhận được ấy là gì?
Trần Văn Hoàng: Có hôm, một cô gái vác cái bụng bầu vượt mặt tới quầy hàng của tôi, cười: "Bố! Bố! Con có chồng, có con rồi, từ nay hổng trộm nữa!". Nghe tiếng "Bố", tôi xúc động vô cùng.
Bởi trước đây con bé từng là kẻ trộm chuyên nghiệp. Khi điều tra ra hoàn cảnh gia đình, tôi càng thương nó nên quyết định cưu mang. Vậy mà giờ nó thành người tốt.
Sau này, có rất nhiều đối tượng đi tù về, đã làm ăn lương thiện. Mỗi lần qua góc đường Trường Chinh, chúng đều ghé thăm tôi. Chính công việc của mình đã cứu rỗi họ như thế, làm sao bỏ được?
Huy Hậu: Đồng ý công việc của ông đã giúp đỡ hàng nghìn con người "lầm đường lạc lối", nhưng hơn 30 năm nay gia đình ông vẫn sống trong một căn trọ thuê ọp ẹp, bán hàng rong thu nhập chưa đến 100.000 đồng/ngày… Liệu nó có quá mâu thuẫn?
Trần Văn Hoàng: Nghèo đã nghèo từ xưa chứ đâu phải bây giờ! (Cười).
Hồi bà xã tôi chấp nhận quay về, tôi còn chẳng có một đám cưới đàng hoàng. Rồi tôi lo bắt cướp, một mình cô ấy gánh vác cả gia đình, là người nuôi con, người kiếm tiền.
Cô ấy mở cái sạp bán nón, bán nước, đứng nắng cả ngày trời có khi kiếm chưa đến 40.000 đồng, phải dằn bụng lắm để cả nhà đủ ăn. Những lần tôi gặp chuyện, cô ấy không bao giờ ngủ. Lúc nào tỉnh dậy, tôi cũng thấy vợ khóc.
30 năm nay, cô ấy đã sống với sự thấp thỏm, lo âu không biết ngày mai tôi sẽ bị gì, ra sao như thế!
Huy Hậu: Vậy mà vợ ông chưa từng ngăn cấm công việc bắt cướp của ông sao?
Trần Văn Hoàng: Năm 1997, thấy tôi cưỡi chiếc xe cà tàng đi bắt cướp cực nhọc quá, cô ấy còn bí mật vay nợ hơn 5 triệu đồng để mua chiếc xe mới. Mà 5 triệu lúc đó bạn biết nó lớn cỡ nào, bằng cả sạp hàng vốn liếng của cổ.
Rồi mấy lần xe hư, người bê bết máu, cô ấy vẫn mang xe đi sửa, thức ngày thức đêm chăm sóc. Có hôm, tôi hỏi: "Anh không phải người chồng tốt! Lấy anh, em hối hận không?"
"Phước đức ngàn đời nhà anh", cô ấy cười thế thôi.
Huy Hậu: Ông đã bao giờ bù đắp cho vợ mình chứ?
Trần Văn Hoàng: Dịp Noel vài năm trước, tôi xin anh em dành một đêm để chở vợ con vào trung tâm thành phố dạo chơi. Chưa đi được bao lâu, nghe tiếng người dân tri hô móc túi, tôi quay sang bảo vợ: "Xuống xe cho anh bắt cướp". Thế là chạy đi.
Đến lúc quay lại, 2 mẹ con đã đón xe ôm về nhà từ lúc nào vì không thể đợi…
Huy Hậu: Thế giờ ông mong muốn thêm điều gì nữa?
Ông Trần Văn Hoàng: Gần đây, căn bệnh thoát vị đĩa đệm, đau bao tử hành nên cô ấy rất dễ tủi thân! Tôi không còn trẻ, sức khỏe không còn nhiều nên luôn gánh vác phụ vợ.
Bây giờ, cuộc đời tôi chỉ còn 2 điều: Một, 6h sáng dọn hàng cho vợ. Hai, bắt cướp.
Làm gì làm, 6h đến 8h, là thời gian của một người chồng tốt.
Xin cảm ơn ông. Cầu chúc ông sẽ luôn giữ sức khỏe và sự bình an.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Hải Long
Thiết kế: Khương Hiền