1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Huyện chỉ đạo giữ đất ở dự án Sài Gòn - Đại Ninh chờ kết luận Bộ Công an

CTV

(Dân trí) - Trong thời gian chờ kết luận của cơ quan điều tra về dự án Sài Gòn - Đại Ninh, cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư giữ rừng, ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm đất.

Ngày 17/4, UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết đã có báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng về tình hình thực hiện các dự án, công trình trọng điểm theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI.

Địa phương này có 8 dự án trọng điểm, trong đó có 2 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang triển khai xây dựng gồm Hồ Ta Hoét, khu du lịch hồ Đại Ninh.

6 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư, chưa triển khai xây dựng gồm đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, khu công nghiệp Phú Bình, xây dựng khu đô thị Liên Khương - Prenn, khu đô thị Nam sông Đa Nhim, dự án nâng cấp Quốc lộ 28B, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.

Huyện chỉ đạo giữ đất ở dự án Sài Gòn - Đại Ninh chờ kết luận Bộ Công an - 1

Dự án Sài Gòn - Đại Ninh có quy mô hơn 3.500ha, tổng vốn đầu tư khoảng trên 25.000 tỷ đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Sài Gòn - Đại Ninh) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 cho Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, với thời hạn 50 năm.

Dự án này có tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, diện tích thực hiện là hơn 3.500ha, quy hoạch xây dựng tại các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.

Theo UBND huyện Đức Trọng, dự án Sài Gòn - Đại Ninh được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh người đại diện theo pháp luật tại văn bản số 245/UBND-VX2 ngày 12/1/2022, chấp thuận chủ trương điều chỉnh tiến độ thực hiện tại văn bản số 1932/UBND-VX2 ngày 24/3/2022.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan đến dự án.

Dự án này đã hoàn thành các thủ tục thuê đất, thuê rừng, phê duyệt quy hoạch.

Năm 2012, chủ đầu tư được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép chuyển đổi một phần đất ở để thực hiện dự án. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công ty chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp ngân sách nhà nước đối với phần diện tích đất ở chuyển đổi.

Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư để người dân tái lấn chiếm, vi phạm quy định Luật Đất đai 2013, vi phạm trật tự xây dựng. Qua theo dõi dự án triển khai chậm tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư.

Trong thời gian chờ kết luận của cơ quan chức năng, UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý đất đai trong phạm vi dự án, ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm.

Như Dân trí thông tin, dự án Sài Gòn - Đại Ninh được xác định chậm tiến độ và từng để mất hàng trăm ha rừng. Tại kết luận thanh tra 929/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án. Tuy nhiên sau đó, Thanh tra Chính phủ có sự thay đổi, cho dự án tiếp tục triển khai.

Năm 2021, ông Nguyễn Cao Trí đã mua lại cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh và là người đại diện pháp luật. Sau đó, ông Trí có thỏa thuận, bán 100% vốn công ty này cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Huyện chỉ đạo giữ đất ở dự án Sài Gòn - Đại Ninh chờ kết luận Bộ Công an - 2

Dự án Sài Gòn - Đại Ninh được xác định chậm tiến độ nhiều năm và từng để mất hàng trăm ha rừng (Ảnh: Minh Hậu)

Liên quan dự án Sài Gòn - Đại Ninh, nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vướng vòng lao lý. Trong đó, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ.

Ông Trần Đức Quận, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra các sai phạm liên quan dự án; ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng bị bắt để điều tra về tội Nhận hối lộ.

Ngoài ra, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ cũng bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Minh Hậu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm