Nghệ An:

Huy động tổng lực sẵn sàng cho cuộc hồi hương của hàng nghìn người

Hoàng Lam

(Dân trí) - Hơn 10.000 lao động đăng ký trở về quê tránh dịch, các địa phương ở Nghệ An đang dồn sức để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tiếp nhận, đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19.

Huy động tổng lực sẵn sàng cho cuộc hồi hương của hàng nghìn người - 1

Dòng người Nghệ An từ các tỉnh phía Nam đổ về quê bằng phương tiện cá nhân. Họ đã phải vượt qua hơn 1.000 cây số nhưng phía trước là quãng thời gian hết sức khó khăn.

Căng sức chuẩn bị đón công dân từ tâm dịch trở về

Đến thời điểm này, đã có hơn 10.000 lao động Nghệ An tại các tỉnh phía Nam đăng ký về quê qua Sở Thông tin và Truyền thông. Địa phương này cũng đã lên kế hoạch đón công dân trở về vào ngày 5/8, trước mắt là 1.000 lao động đang ở TPHCM, trong đó đặc biệt ưu tiên người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người ốm đau bệnh tật.

Trong khi đó, mỗi ngày có hàng trăm lao động Nghệ An từ các tỉnh đang có dịch trở về quê bằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy. Công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 khi lượng người trở về từ vùng đang có dịch tăng cao đã được tỉnh Nghệ An lên kế hoạch và triển khai.

Bên cạnh chuẩn bị các khu cách ly tập trung miễn phí và có phí ở tuyến tỉnh, địa phương này cũng giao cho các huyện đảm bảo cho việc tiếp nhận lao động của địa phương mình một cách an toàn nhất.

Huy động tổng lực sẵn sàng cho cuộc hồi hương của hàng nghìn người - 2

Xã Lăng Thành (Yên Thành) trưng dụng trường mầm non để làm khu cách ly tập trung dành cho công dân về từ vùng dịch.

Theo ông Lê Hồng Lập, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), từ ngày 13/7 tới nay đã có gần 600 công dân làm việc sinh sống ở các tỉnh đang có dịch phía Nam về quê bằng xe máy. Dự báo, địa phương này sẽ đón khoảng 2.000 lao động hồi hương tránh dịch. Trong khi đó, huyện Kỳ Sơn cũng đang phải tập trung cho công tác dập dịch tại xã Chiêu Lưu với 10 ca mắc Covid-19 và thực hiện cách ly tập trung đối với các trường hợp có liên quan.

"Với số lượng lao động về địa phương như những ngày qua thì khu cách ly tập trung của huyện không thể tiếp nhận hết. Huyện đã thành lập một chốt kiểm soát ở xã Chiêu Lưu để tiếp nhận công dân trở về. Sau khi thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, lao động ở địa phương nào sẽ được bàn giao cho địa phương đó. Hiện tất cả các xã, thị trên địa bàn huyện đều đã kích hoạt công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất và trưng dụng các trường học để phục vụ cho việc cách ly công dân về từ vùng dịch", ông Lập cho hay.

Tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, qua rà soát có hơn 200 lao động đang làm việc, sinh sống ngoại tỉnh. Có 98 người đăng ký về quê qua các kênh khác nhau.

Huy động tổng lực sẵn sàng cho cuộc hồi hương của hàng nghìn người - 3

Việc trưng dụng trường học để thực hiện cách ly tập trung khiến công tác chuẩn bị cho năm học mới được dự báo rất khó khăn.

"Thực hiện yêu cầu của huyện, xã đã bố trí 2 khu cách ly tập trung tại trạm y tế và trường mầm non xã với quy mô 44 giường. Ngoài ra, xã cũng đã vận động và trưng dụng được 3 nhà dân để thực hiện cách ly theo nhóm công dân trở về từ địa phương có dịch", ông Phạm Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam thông tin.

Là địa phương đang có dịch, hiện xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) đang thực hiện cách ly tập trung cho hơn 100 công dân của xã. Theo bà Chu Thị Ngọc - Chủ tịch UBND xã, ngày 29/7, xã tiếp nhận công dân đầu tiên từ vùng dịch phía Nam về, dự báo những ngày tới, số người về sẽ tăng lên.

"Hiện cùng với toàn huyện, Quỳnh Giang đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vừa thực hiện công tác dập dịch, vừa đón công dân trở về, một khối lượng cực lớn công việc đã và đang triển khai trên tinh thần phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Áp lực với chúng tôi phải nói là rất lớn", bà Ngọc cho hay.

Lắm nỗi lo

Tại xã Lăng Thành (huyện Yên Thành) đã chuẩn bị 2 khu vực cách ly tập trung ở trạm y tế và trường mầm non xã, có thể đáp ứng được cách ly cho 50 công dân. Hiện, có 5 công dân về từ hiện đang thực hiện cách ly tập trung.

Huy động tổng lực sẵn sàng cho cuộc hồi hương của hàng nghìn người - 4

Không chỉ đảm bảo cơ sở vật chất cho việc cách ly tập trung, công tác an sinh xã hội đối với người dân hồi hương thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng là thách thức không nhỏ cho các địa phương trong thời điểm này.

"Số lượng công dân của xã đăng ký trở về từ TPHCM, Bình Dương là 17 người, như vậy cơ sở vật chất hiện tại có thể đáp ứng được. Để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch, chúng tôi bố trí 2 điểm cách ly riêng biệt cho công dân về từ các tỉnh có dịch ở phía Bắc và phía Nam", ông Đậu Xuân Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, cho biết.

Theo ông Tú, công tác phòng, chống dịch đối với lao động trở về từ vùng có dịch đạt hiệu quả hay không, không chỉ mỗi cố gắng, nỗ lực của chính quyền, các tổ chức đoàn thể mà còn phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của công dân. Vừa rồi, UBND xã cũng phải huy động các lực lượng truy tìm một gia đình trở về từ vùng dịch nhưng chậm khai báo y tế và trốn cách ly.

Huy động tổng lực sẵn sàng cho cuộc hồi hương của hàng nghìn người - 5

Xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) vận động trưng dụng các nhà dân để thực hiện cách ly diện hẹp theo nhóm từ 3-4 người.

Thời gian tới, có thể địa phương này phải trưng dụng thêm trường THCS để thực hiện cách ly tập trung công dân trở về từ vùng dịch dù thời gian tựu trường đã sắp cận kề. Ông Đậu Xuân Tú cũng thừa nhận chưa nghĩ đến vấn đề này và đang chờ hướng dẫn về công tác chuẩn bị cho năm học mới từ các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, xã Quỳnh Tam, dù trưng dụng được nhà dân để thực hiện cách ly nhưng việc triển khai không hề dễ dàng, bởi có những trường hợp không nhận được sự đồng thuận từ các hộ dân xung quanh hay từ chính cán bộ cơ sở. Chưa kể, thêm một điểm cách ly, lực lượng phòng, chống dịch phải phân tán nhân sự để đảm bảo công tác giám sát.

Hiện huyện Kỳ Sơn cũng đã tính tới phương án trưng dụng các nhà văn hóa cộng đồng để đảm bảo công tác cách ly trong trường hợp người dân về nhiều hơn.

Huy động tổng lực sẵn sàng cho cuộc hồi hương của hàng nghìn người - 6

Đảm bảo công tác phòng, chống dịch đối với lao động từ các tỉnh phía Nam trở về buộc các địa phương trong tỉnh Nghệ An phải huy động một nguồn kinh phí và nhân lực rất lớn. Trong đó, vai trò của các tổ Covid cộng đồng đặc biệt quan trọng trong việc giám sát việc chấp hành các quy định về khai báo y tế và cách ly.

"Hiện nay, trước mắt sử dụng nguồn ngân sách phân về các xã để hỗ trợ một phần chi phí ăn ở cho người dân cách ly còn chủ yếu cơm nước đều do người thân của họ chuẩn bị. Đảm bảo hậu cần, an sinh, đặc biệt là bữa ăn cho công dân cách ly đối với địa phương và chính người dân là vấn đề rất khó, bởi phần lớn những trường hợp này đều rơi vào hộ nghèo, cận nghèo.

Rất mong các cơ quan cấp trên nghiên cứu, ban hành chủ trương hỗ trợ một phần cho hộ nghèo, hộ nghèo để giảm bớt khó khăn trong thời điểm trở về quê hương", ông Lê Hồng Lập kiến nghị.