Bình Định:
Huy động tối đa nguồn lực tìm kiếm nạn nhân mất tích trên biển
(Dân trí) - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thành lập Trạm tiền phương tại tỉnh Bình Định để phối hợp cùng với các đơn vị, lực lượng của tỉnh kịp thời xử lý các tình huống cấp bách, khẩn trương tìm cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên mất tích vụ chìm tàu ở vùng biển Quy Nhơn.
Ngày 5/11, ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (UBQGTKCN), Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn và các sở, ngành chức năng của tỉnh về việc triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên, ngư dân bị nạn và trục vớt các tàu bị chìm do bão số 12 gây ra.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, có 104 tàu hàng neo đậu ở khu vực Cảng Quy Nhơn và khu vực phao số 0, trong đó có 10 tàu bị nạn, trong đó 9 tàu bị chìm, 1 tàu bị mắc cạn, hư hỏng. Đến sáng ngày 5/11 đã cứu được 72 người và 1 thuyền viên bị chết và mới phát hiện thêm 2 thuyền viên bị chết trôi dạt ở khu vực biển phường Ghềnh Ráng.
Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hợp với ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm nhiều thuyền viên bị nạn trên biển. Các thuyền viên bị nạn đang được các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chữa trị, chăm sóc chu đáo. Riêng những thuyền viên bị chết đang được Bệnh viện đa khoa tỉnh bảo quản.
Trước tình hình trên, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh văn phòng UBQGTKCN, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, cho biết: “Hiện nay, UBQGTKCN đã thành lập Trạm tiền phương tại tỉnh Bình Định để phối hợp cùng với các đơn vị, lực lượng của tỉnh kịp thời xử lý các tình huống cấp bách cũng như đẩy mạnh công tác cứu nạn, cứu hộ”.
Theo thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, hiện có 10 tàu đang triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân gồm: 3 tàu Hải quân, 3 tàu BĐBP tỉnh, 3 tàu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải và 1 tàu Cảnh sát biển. Các lực lượng cũng đã phân chia các khu vực trên vùng biển Quy Nhơn theo khoảng cách hải lý để phối hợp tìm kiếm một cách chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết, có thể điều động thêm 2 tàu Hải quân để tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Thiếu tướng Tiến cũng cho biết, đối với việc trục vớt các tàu bị chìm, Cục Hàng hải đang phối hợp với các chủ tàu xác định số lượng người, vị trí của từng khoang tàu để các đơn vị kỹ thuật của Hải Quân và Cục Hàng hải định vị và thuê thợ lặn vào để kiểm tra thực tế, rồi mới trục vớt.
Riêng về các tàu chìm có thể gây ra sự cố tràn dầu, hiện lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Trung đang từ Đà Nẵng vào và sẽ phối hợp với tỉnh Bình Định để xây dựng phương án khắc phục sớm nhất.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, mặc dù không phải là địa phương nằm trên đường đi trực tiếp của bão số 12, nhưng những hậu quả do bão gây ra trên địa bàn tỉnh vẫn rất nặng nề. “Đây là lần đầu tiên tỉnh gặp sự cố tàu chìm với số lượng lớn như vậy. Vì vậy, công tác triển khai cứu hộ, cứu nạn được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tập trung tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích và huy động mọi nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố tàu chìm”- ông Tùng nói.
Doãn Công