1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huy động gần 240.000 tỷ chống dịch, gồm 2.600 tỷ mua sắm kit test

Hoài Thu

(Dân trí) - Trong 3 năm, tổng số tiền huy động được để phòng, chống dịch Covid-19 là gần 240.000 tỷ đồng, theo kết quả giám sát chuyên đề về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực chống dịch Covid-19.

Báo cáo của Đoàn giám sát về nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 22, sáng 11/4.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết với phạm vi thực hiện trên toàn quốc, công tác giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid- 19 được tính từ ngày 1/1/ 2020 đến hết ngày 31/12/2022. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng được giám sát từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2022.

Theo báo cáo từ Đoàn giám sát của Quốc hội, trong gần 240.000 tỷ huy động được, có gần 190.000 tỷ huy động từ nguồn ngân sách Nhà nước và hơn 47.000 tỷ từ các nguồn khác.

Tổng số ngân sách Nhà nước đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân là hơn 131.000 tỷ đồng.

Huy động gần 240.000 tỷ chống dịch, gồm 2.600 tỷ mua sắm kit test - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: Quốc hội).

Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy riêng khoản kinh phí mua sắm kit test là hơn 2.500 tỷ đồng; phí dịch vụ xét nghiệm là hơn 530 tỷ đồng.

Kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm (trừ test kit) là gần 5.300 tỷ đồng; kinh phí khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 là gần 720 tỷ đồng; kinh phí sàng lọc, thu dung, cách ly y tế gần 90 tỷ đồng…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bên cạnh kết quả, còn không ít những khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.

Điển hình là việc các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh. Đặc biệt, theo Đoàn giám sát, còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; việc chi trả chế độ hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch và chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp còn chậm…

Đoàn giám sát cũng chỉ ra bất cập trong việc tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất được tài trợ, do còn thiếu thủ tục, hồ sơ, không xác định được giá trị tài sản dẫn đến không đủ cơ sở pháp lý trong xác nhận quyền sở hữu toàn dân, quản lý, theo dõi, hạch toán.

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát , trong đó cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc này phải hoàn thành trước 31/12.

Cụ thể, Đoàn giám sát kiến nghị cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đối với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị thực tế sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn trước ngày 31/12/2022 theo giá và thủ tục thanh toán do Chính phủ quy định.

Đoàn giám sát kiến nghị cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo giá do UBND cấp tỉnh quyết định.

Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng kiến nghị cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2022 tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Số tài sản này đã được tiếp nhận, quản lý, sử dụng nhưng vì lý do khách quan nên không có đủ hồ sơ, tài liệu, không xác định giá trị hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch cao hơn so với giá mặt hàng tương đương được công khai trên thị trường.

Chính phủ được đề nghị hướng dẫn việc thành lập hội đồng để xác nhận giá trị tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản quy định tại nghị quyết.