Bộ Công an báo cáo 2 vụ án điển hình về "đòi nợ thuê nhiều cấp độ"

Hoài Thu

(Dân trí) - "Sau khi nhận được phản ánh, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo nhiều nhóm giải pháp xử lý trường hợp núp bóng đòi nợ thuê, khủng bố tinh thần người vay tiền", Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.

Chiều 10/4, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, đã báo cáo làm rõ phản ánh của cử tri về tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng di động để lừa đảo, trường hợp đòi nợ thuê núp bóng công ty luật nhằm khủng bố tinh thần người vay tiền, thậm chí cả người thân của họ.

3 cấp độ đòi nợ thuê

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã chỉ đạo lực lượng công an phân tích rõ bản chất của các nhóm tội phạm này, nhất là tội phạm đòi nợ thuê trái pháp luật. "Không phải là khủng bố, vu khống, mà bản chất của loại tội phạm này qua làm rõ các vụ án là cưỡng đoạt tài sản", Trung tướng Hùng cho hay.

Ông nói Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương phá nhiều vụ án, trong đó hai vụ án điển hình có thủ đoạn mới tinh vi, tác động rất lớn đến tình hình an ninh trật tự.

Bộ Công an báo cáo 2 vụ án điển hình về đòi nợ thuê nhiều cấp độ - 1

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng (Ảnh: Phạm Thắng).

Thứ nhất là vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan Công ty Luật TNHH Pháp Việt có trụ sở tại TPHCM. Ngày 14/2, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Tiền Giang với công an các địa phương triệt phá hội nhóm, đối tượng thuộc Công ty Luật Pháp Việt có hành vi cưỡng đoạt thông qua việc đòi nợ trái pháp luật. Đây là hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, quy trình chặt chẽ và các đối tượng đòi nợ theo 3 cấp độ.

Thứ nhất, gọi điện chửi bới khách vay, đe dọa, yêu cầu trả tiền.

Thứ hai, đe dọa giết người thân, đăng hình bôi nhọ, hoặc đe dọa cho mất việc đối với những người đang có việc làm.

Thứ ba, mang quan tài đến cơ quan tổ chức để đe dọa, đặt bình gas, đặt xăng chở đến cơ quan, nhà trường nơi học tập của con cái người vay nợ nhằm uy hiếp tinh thần.

Thứ trưởng Bộ Công an nhận định những hành vi trên gây bức xúc lo lắng với người dân, nhất là người dân vay nợ với các tổ chức tín dụng và ngân hàng.

Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Tiền Giang qua vụ này đã khởi tố 54 bị can, trong đó có 2 phó giám đốc công ty TNHH Pháp Việt, 20 trưởng phòng, 1 thư ký và 31 nhân viên công ty này.

Vụ án thứ hai là từ tháng 11/2022 đến nay, Bộ Công an đã rốt ráo chỉ đạo công an TPHCM phối hợp công an địa phương triệt phá 6 nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty tài chính như Công ty TNHH Một thành viên Mirae Asset, Công ty Luật TNHH Power Law chi nhánh TPHCM, Công ty TNHH MTV Tiếng nói hay, Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ, Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh F88.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản với các hành vi nói trên, tiến hành kiểm tra hành chính một số cơ quan, đơn vị khác như Công ty TNHH Dịch vụ Galaxy, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam, Công ty Cổ phần điện lực Easy Credit, Công ty Tài chính Shinhan …

Tuy nhiên, theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, sau khi phá vụ án ở Tiền Giang và TPHCM, một số tổ chức núp bóng công ty đòi nợ thuê trái pháp luật này đã có những hoạt động co gọn lại, chuyển địa bàn và nhiều hành vi ứng phó. Dù vậy, ông khẳng định hành vi núp bóng công ty luật, công ty tài chính đòi nợ thuê trái pháp luật, đe dọa khủng bố trên mạng xã hội với người vay nợ đã giảm hẳn.

Trước đó, Báo cáo công tác dân nguyện tháng 3, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân cả nước phản ánh lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra; việc ma túy tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam thông qua tiếp viên hàng không; người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo bằng việc thông báo chuẩn hóa thông tin cá nhân của thuê bao di động, nhập mật khẩu theo đường link ngân hàng.

Đề nghị phân loại mức rủi ro về PCCC

Trưởng Ban Dân nguyện cho biết cử tri còn phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công an báo cáo 2 vụ án điển hình về đòi nợ thuê nhiều cấp độ - 2

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 3 (Ảnh: Phạm Thắng).

"Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hỏa hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke, song theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động", ông Bình nêu ý kiến cử tri.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy.

Các đơn vị được đề nghị tháo gỡ bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh, cần tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về PCCC.

"Nếu chúng ta hạ mức các tiêu chuẩn về PCCC thì hậu quả liên quan là rất lớn, liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân", ông Hùng cảnh báo.

 Trong trường hợp cụ thể, ông cho biết Bộ Công an sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, song Thứ trưởng Lê Quốc Hùng vẫn nhấn mạnh phải tăng cường tính tự giác trong chấp hành, tuân thủ quy định PCCC.

Theo đó, người đứng đầu các cơ sở, hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức kiểm tra việc đảm bảo quy định PCCC; phối hợp tốt trong việc thẩm định, rà soát và bổ sung kịp thời các yêu cầu PCCC để phòng ngừa.